Tượng thờ ông, bà Đỗ Công Tường
Cập nhật ngày: 29/07/2015 13:21:23
Sau hơn 3 tháng thi công tạc tượng ông, bà Đỗ Công Tường, giữa tháng 7 vừa qua, tượng đã hoàn thành và được đặt tại Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (tọa lạc tại phường 2, TP.Cao Lãnh).

Tượng thờ ông, bà Đỗ Công Tường
Bác Phạm Văn Thuận - Trưởng Ban Quản lý Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường cho biết, bà con nhân dân cũng như du khách thập phương đến viếng đền thờ đều bày tỏ lòng mong ước có tượng thờ ông, bà Đỗ Công Tường đặt ngay bàn thờ ông, bà để thờ cho uy nghi. Trước nhu cầu tâm linh của nhân dân, các ngành chức năng đã thống nhất việc tạc tượng thờ ông, bà Đỗ Công Tường. Tượng do Công ty TNHH Mỹ thuật - Nhiếp ảnh Oanh Vũ thực hiện sáng tác và thi công. Kinh phí thực hiện tượng là 500 triệu đồng, theo phương châm xã hội hóa.
Lúc đầu tượng được làm bằng chất dẻo, sau khi được Hội đồng nghệ thuật tạc tượng thờ ông, bà Đỗ Công Tường góp ý kiến, đánh giá, tượng được chuyển đến tỉnh Thừa Thiên Huế để tạc bằng đồng. 2 tượng hoàn thành với trọng lượng 800kg, trong đó tượng ông nặng 450kg, cao 1,8m, tượng bà cao 1,7m.
Do trước giờ không có hình ảnh ông, bà Đỗ Công Tường nên để chọn hình mẫu tạc tượng ông, bà, Hội đồng nghệ thuật đã xin ý kiến của các tầng lớp nhân dân và đi đến thống nhất là chọn hình mẫu của người miền Trung xưa (ông, bà là người miền Trung vào lập nghiệp tại làng Mỹ Trà) với gương mặt thể hiện ông, bà là người hiền lành, phúc hậu. Tuy nhiên, tượng ông, bà có phong thái và cách mặc theo kiểu Nam bộ, có ảnh hưởng đôi chút miền Trung, nhất là gương mặt. Tượng được tạc với tác phong giản dị, bình dân nhưng vẫn toát lên sự uy nghiêm của tượng thờ.
Để có được kinh phí tạc tượng ông, bà, Đỗ Công Tường, Ban Quản lý Đền thờ ông, bà đã vận động bà con nhân dân, các mạnh thường quân, công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, tiểu thương chợ Cao Lãnh đóng góp. Việc tạc tượng “Ông, bà chủ chợ Cao Lãnh” đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con nhân dân trong, ngoài tỉnh cũng như các tiểu thương.
Hữu Nghĩa
Năm 1817, ông, bà Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, sinh quán miền Trung đến lập nghiệp ở thôn Mỹ Trà (tỉnh Định Tường). Ông giữ chức Câu đương phân xử những vụ tranh tụng trong làng. Thấy cảnh người mua bán gần vườn quít nhà mình không nơi ẩn trú mỗi khi nắng mưa nên ông, bà cho dựng chòi bằng tre lá, tạm thành chợ. Năm 1820, bệnh dịch tả phát lên dữ dội khiến nhiều người dân làng Mỹ Trà lâm bệnh chết. Động lòng trắc ẩn và sẵn tình bác ái bao la, ông, bà khấn nguyện xin chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chóng dứt. Sau 4 ngày khấn nguyện, lần lượt ông, bà lâm bệnh qua đời. Chôn cất ông bà xong, bệnh dịch tả từ từ chấm dứt. Để tưởng nhớ sự hy sinh cao quý của ông bà, các vị hương chức, nhân dân trong làng,... đã lập miếu phụng thờ ông, bà. Đền thờ ông, bà được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hai ngôi mộ của ông, bà đến nay vẫn còn và nằm cách Đền thờ ông, bà khoảng 150m. Lễ giỗ kỷ niệm 195 năm ngày mất ông, bà Đỗ Công Tường vừa qua có trên 20 ngàn lượt người đến thắp nhang thành tâm kính viếng ông, bà.
|