Vài nét về hoạt động nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian

Cập nhật ngày: 23/01/2013 05:09:33

Những năm gần đây đã có một số công trình, tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian tại Đồng Tháp (VH,VNDG) được nghiệm thu, công nhận và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên hoạt động này vẫn còn những khó khăn cần sớm tháo gỡ.


Đến nhà các nghệ nhân sưu tầm điệu "Hò Đồng Tháp"

Sau 2 năm thực hiện công trình Sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi điệu "Hò Đồng Tháp" do nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, nhạc sĩ Cao Văn Lý làm chủ nhiệm đề tài, giữa tháng 1 vừa qua, công trình đã được Hội đồng khoa học thẩm định công nhận đạt yêu cầu. Đây là tín hiệu vui cho những người yêu thích điệu hò độc đáo của tỉnh Đồng Tháp.

Theo ông Nguyễn Đắc Hiền - thành viên Hội đồng khoa học thẩm định công trình Sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi điệu "Hò Đồng Tháp" thì công trình đã góp phần quan trọng trong việc sưu tầm, phục hồi và phát triển điệu "Hò Đồng Tháp" vốn có nguy cơ mai một; làm sống lại và góp phần vào việc sinh hoạt dân ca trong môi trường công nghiệp hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương, khu vực và cả nước trong thời kỳ mới.

Hoạt động VH,VNDG trên địa bàn tỉnh những năm gần đây cũng có những chuyển biến tích cực. Giữa năm 2004, Phân Hội VNDG, trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được thành lập, số hội viên Phân hội là 25 người. Năm 2011, Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Đồng Tháp được thành lập, tính đến nay Chi hội có 6 hội viên. Các hội viên Trung ương và địa phương chính là đội ngũ chuyên nghiệp trong công tác sưu tầm, nghiên cứu VNDG tỉnh nhà.

Trong các hoạt động sáng tác, một số hội viên đã nghiên cứu, sưu tầm nhiều tác phẩm có chất lượng, nhất là các tác phẩm dài hơi được đánh giá cao như: Truyền thuyết Thiên Hộ Dương - Đốc Binh Kiều, Văn hóa dân gian Đồng Tháp, Nghề cá Đồng Tháp Mười năm xưa, Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài - Long Hậu, Hương quê thương nhớ,... Ngoài ra, một số tác phẩm tiêu biểu của các tác giả trong tỉnh cũng được Hội VNDG Việt Nam ký hợp đồng tái bản trong dự án Công bố, phổ biến tài sản VH, VNDG Việt Nam.

Để có một đội ngũ chuyên nghiệp hơn trong công tác sưu tầm, nghiên cứu VNDG tại tỉnh nhà, lực lượng sưu tầm, nghiên cứu VNDG tỉnh cũng được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tạo điều kiện tham gia tập huấn công tác sưu tầm, nghiên cứu VNDG.


Một số tác phẩm VNDG của các tác giả trong tỉnh

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu, sưu tầm VH,VNDG tại Đồng Tháp còn gặp không ít khó khăn. Anh Ngô Trần Hậu Nghệ - hội viên Trung ương Hội VNDG Việt Nam tâm sự: "Mình là giáo viên, tham gia nghiên cứu VNDG vì niềm đam mê và lo ngại các trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực dần bị mai một nhưng trong quá trình đi sưu tầm gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tự chi tiền nhà và mất nhiều thời gian do phải dành thời gian làm công tác chuyên môn".

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Chi hội Trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Đồng Tháp - Phân hội Trưởng Phân Hội VNDG, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp, VHDG của Đồng Tháp vô cùng phong phú nhưng ít người "khai thác". Nguyên nhân là do những người ham thích sưu tầm, nghiên cứu loại hình này rất ít và sáng tác không đều tay do không có nhiều thời gian và kinh phí. Trong các chuyến đi điền dã, cá nhân tự bỏ tiền túi ra đi riêng lẻ, sưu tầm trong nhiều ngày, có những tác phẩm được in thành sách nhưng chỉ được hỗ trợ tiền in chứ không có khoản thù lao hay nhuận bút nào khác.

Các hoạt động sưu tầm VNDG hiện nay chỉ dừng lại ở những đầu sách, bài viết chứ chưa thực hiện được các đoạn phim lưu giữ, chẳng hạn như: ghi hình lại được loại hình hát ru, văn hóa tâm linh, trò chơi dân gian,... Để giải quyết những khó khăn này, thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng, ngoài động viên hội viên, Phân hội đang tìm ra giải pháp tập hợp lực lượng sáng tác VNDG, tạo điều kiện tốt nhất đối với hội viên trong sáng tác, phổ biến tác phẩm; đề nghị hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động, phối hợp một cách hiệu quả với các cơ quan hữu quan nhằm đẩy mạnh liên kết lưu giữ, phổ biến các tác phẩm VNDG.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn