Phạt hành chính trong hoạt động VHTTDL:
Thiếu hợp lý, khó khả thi!
Cập nhật ngày: 17/01/2013 08:18:56
Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo mới có những quy định khó khả thi, đề ra... cho có. Chẳng hạn dự kiến phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng cho hành vi uống rượu tại phòng karaoke...
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch... do Bộ VHTTDL soạn thảo (sửa đổi Nghị định 75) vừa được công bố để lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Đã có nhiều ý kiến cho rằng một số quy định trong dự thảo thiếu hợp lý, khó khả thi.
Tăng tiền xử phạt
So với Nghị định 7, dự thảo nghị định mới ngoài việc xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực điện ảnh; các loại hình nghệ thuật biểu diễn; hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng; mỹ thuật, triển lãm văn hoá, nghệ thuật, nhiếp ảnh... còn có những điều, khoản mới trong các hoạt động du lịch, thể thao, quảng cáo.
Chùa Trăm Gian (Hà Nội) bị tự ý tu bổ. Những hành vi tương tự
như vậy có thể chỉ bị xử phạt tối đa 15 triệu đồng
Đáng chú ý hơn, vi phạm trong các lĩnh vực này đều bị tăng mức tiền xử phạt lên 20%. Ví dụ, đơn vị, cá nhân tổ chức cho các đoàn nghệ thuật, người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại nơi công cộng mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung ghi trong giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sẽ chịu mức phạt 20.000.000 - 30.000.000 đồng. Người biểu diễn, tổ chức biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực hoặc đưa người mẫu ra nước ngoài dự thi hoặc trình diễn thời trang mà không có giấy phép sẽ bị phạt 30 - 40 triệu đồng.
Trường hợp biểu diễn, tổ chức diễn tác phẩm bị cấm; tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc sẽ bị phạt ở khung 40 - 50 triệu đồng... Người vi phạm các quy định này còn bị phạt bổ sung là cấm diễn từ 6 tháng đến 2 năm.
Có mức phạt như... lấy lệ
Mặc dù dự thảo so với Nghị định 75 có sự thay đổi cũng như tăng mức xử phạt, nhưng nhiều ý kiến cho rằng một số chế tài vẫn quá nhẹ, “nương tay”, thiếu sự quyết liệt, triệt để để chấn chỉnh, khắc phục.
Ví dụ tại Điều 13 (Vi phạm các quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang), đề nghị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Tự tiện thêm bớt lời ca, lời thoại hoặc thêm động tác diễn xuất khác với khi duyệt cho phép biểu diễn gây hậu quả xấu hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá Việt Nam; Tự tiện thay đổi trang phục khác với trang phục đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt và cho phép biểu diễn gây hậu quả xấu.
Nếu áp quy định này, những vụ việc khiến dư luận vô cùng bức xúc mới đây như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi” nhà sư, người mẫu Thái Hà lộ ngực... chỉ bị phạt cao nhất 5 triệu đồng, mức phạt này chưa làm ai e ngại.
Hay mức phạt đề xuất chỉ từ 5- 15 triệu đồng cho hành vi bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh không đúng nội dung quy hoạch, dự án và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt. “Hậu quả của những hành vi này rất lớn nhưng mức phạt chỉ như... lấy lệ” - ông Bách Khoa - chuyên gia bảo tồn, bảo tàng (Sở VHTTDL Hà Tĩnh) nhận định.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng dự thảo có những quy định khó khả thi, đề ra... cho có. Chẳng hạn dự kiến phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng cho hành vi uống rượu tại phòng karaoke. Bạn đọc Trần Hoàng (Sài Đồng, Hà Nội) cho rằng khó xác định được hành vi này, người được cho là vi phạm dễ chối bỏ và cơ quan chức năng không thể đủ người để kiểm tra, xử lý...
Theo luật sư Trần Quốc Hùng (Công ty Luật Nguyễn Chiến, Hà Nội), việc tăng mức xử phạt lần này cũng chỉ mang tính chất tuyên truyền, phòng ngừa, răn đe mà khó ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm, tái phạm. Như việc xử phạt các hành vi say rượu bia, bán rượu, uống rượu trong các tụ điểm karaoke cần phải quy định hết sức cụ thể và chi tiết các hành vi, nếu không sẽ khó thực thi và có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các tổ chức, cá nhân khi hghị định có hiệu lực thi hành.
(Theo danviet)