Nhạc sỹ Cao Văn Lý - nặng tình với quê hương Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 09/01/2013 05:09:27
Sinh ra trong một gia đình tài tử, giàu truyền thống cách mạng ở vùng quê nghèo thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Long Châu Sa (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), từ nhỏ Cao Văn Lý đã bộc lộ năng khiếu hát hò và sáng tác. Lớn lên tham gia vào các phong trào cách mạng ở địa phương, ông được tổ chức phân công phục vụ ở lĩnh vực tuyên truyền văn nghệ. Sau đó được bổ sung vào Đoàn văn công của tỉnh Long Châu Sa (Đàn chim Việt).
Nhạc sỹ Cao Văn Lý (thứ 2 từ phải sang) trong một chuyến sưu tầm
Tuy còn trẻ nhưng tiếng hát, giọng hò của ông đã nổi bật trong Đàn chim Việt, nhất là những bài hát về dân ca, điệu lý. Đến năm 1954, ông cùng các chiến sĩ bộ đội Đàn Chim Việt tập kết ra Bắc. Sau đó, ông được đưa đi đào tạo khóa âm nhạc ở nước ngoài. Khi trở về nước ông tiếp tục làm nhiệm vụ văn công tiền tuyến, góp phần làm nên giai thoại “Tiếng hát át tiếng bom” trên khắp các chiến trường Đồng Tháp Mười.
Khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông vừa đảm trách nhiệm vụ trưởng Khoa âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, vừa làm nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy cho các thế hệ trẻ, ông được Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh mời cộng tác trong các chương trình văn hóa nghệ thuật dân tộc. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu biên soạn và sáng tác rất nhiều bài hát, trong đó nhiều nhất là các điệu lý, câu hò...
Dù bận công tác và sinh sống cùng với gia đình ở TP.Hồ Chí Minh nhưng tâm hồn của ông vẫn luôn hướng về quê hương Đồng Tháp. Ông vui nhất là khi được Sở VHTT&DL Đồng Tháp mời tham gia công trình định hướng bảo tồn gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, giai đoạn đến 2015 và 2020, đặc biệt là công trình bảo tồn di sản Hò Đồng Tháp. Nhạc sỹ Cao Văn Lý chia sẻ: “Hò Đồng Tháp mênh mông nhưng sâu lắng. Vì những biến đổi lịch sử xã hội mà 50 năm nay hò Đồng Tháp vắng bóng, nguy cơ thất truyền nhưng dư âm của hò Đồng Tháp vẫn còn nguyên vẹn, nhiều người rất muốn nghe lại giọng hò Đồng Tháp.”
Tuổi đã cao nhưng gần 1 năm nay, nhạc sỹ Cao Văn Lý vẫn đi về các vùng quê trong tỉnh Đồng Tháp để tham gia các bước khởi động “Công trình Bảo tồn di sản Hò Đồng Tháp”. Ông tham gia đi khảo sát điền dã ở các vùng sâu, vùng xa thuộc miệt cù lao Trâu xa xưa, hay vào tận những xóm ấp ngụ cư trong vùng hậu bối Đồng Tháp Mười gặp gỡ những nghệ nhân dân gian để sưu tầm lại những điệu hò gốc, chuyện trò với những cụ ông, cụ bà còn nhớ về cách hò Đồng Tháp. Đến việc tổ chức thu âm các giọng hò mẫu, phân biệt đâu là hò Đồng Tháp đâu là những điệu hò đã bị pha tạp, lai căng, hay nhầm lẫn với hò Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre... ông đều rất tận tâm.
Thông qua sự dẫn dắt tâm huyết của nhạc sỹ Cao Văn Lý mà sau 50 năm vắng bóng, tiếng hò Đồng Tháp đã vang lên trên diễn đàn văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, mang lại huy chương vàng cho Đồng Tháp tại Liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ 4, do Đài Truyền hình Việt Nam và UBND tỉnh Bến Tre tổ chức vào tháng 4/2011, cũng như sự thành công của Liên hoan Hò Đồng Tháp và hát dân ca do Sở VHTT&DL tổ chức vào tháng 9/2012.
Với tình yêu nghệ thuật và nặng lòng với quê nhà, nhạc sỹ Cao Văn Lý tiếp tục cống hiến để góp phần làm sống lại những giá trị văn hóa của hò Đồng Tháp. Sự cống hiến đó đòi hỏi thêm nhiều thời gian, công sức, thế nhưng người nghệ sĩ, chiến sĩ Cao Văn Lý vẫn cứ bền lòng.
Ngọc Hoa