Trái nhớ

Cập nhật ngày: 07/01/2013 05:07:29

Trên đời, không có trái có tên gọi là trái nhớ, nhưng thực sự, khi bạn nhìn thấy nó, rờ vào nó, ăn nó, thì bạn lại... nhớ ra nhiều thứ lắm, nhất là những thứ thuộc về tuổi thơ.

Như bữa đang chạy xe bon bon trên đường, bỗng lại nhìn thấy những chùm trái dâu vàng rực rỡ, làm nhớ ngay đến cây dâu vườn xưa, lủng lẳng trái và luôn chọc thèm tuổi nhỏ, hồi ấy.

Sinh ra ở xứ trái cây nên mùa nào thức nấy, vườn nhà không có thì có... vườn nhà bên. Hồi đó, vườn nhà tôi không có trồng cây dâu này, nên toàn phải ngó chừng vườn của ông Ba bên cạnh. Những cây dâu ông trồng rất sai trái, từng chùm trái gần như phủ kín thân cây, rủ riệt đòng đưa thích mắt, hú gọi mấy đứa trẻ nít xóm nhà vườn. Mà ở xóm tôi, hầu như không ai làm hàng rào cho khu vườn của mình. Vườn nào cũng liền mí đất với nhau, chỉ có cách ra 1 bờ bao để cỏ mọc hoang hay 1 cái mương nhỏ. Ông Ba nổi tiếng khó và dữ nhất xóm (theo má và mấy người lớn trong xóm kể, ổng hay... vác dao rựa đi vòng vòng khu vườn để canh bắt đứa nào hó hé vào vườn ông trộm trái cây).

Nhưng ông Ba có dữ thì dữ, con nít dù bị hù nhưng tánh ham ăn ham chơi ham phá phách thì đâu có sợ, quá lắm có rượt thì... chạy vậy thôi. Nên một bữa, ông anh rủ tôi, ngay buổi trưa đứng bóng xâm lăng qua vườn ông Ba. Mấy cái chùm dâu trên cây của ông đã vàng lườm, chỉ cần nhìn thôi đã nhễu nước miếng. Từ vườn nhà tôi, hai anh em ngồi rình một hồi lâu xem có bóng dáng ông Ba quanh quẩn không. Đợi một lúc, ông anh liền ra hiệu cho cô em bò theo qua con mương nước cạn, bò dần lên vườn nhà ông Ba, rồi bò lại... gốc cây dâu.

Anh phân công tôi ngồi tại gốc dây canh chừng, còn anh thì nhận nhiệm vụ leo lên hái. Anh cột thắt gút vạt áo lại, hái được bao nhiêu chùm là bỏ hết vô trong ngực áo, rồi lại ù té chạy về, ngồi ở góc vườn bốc dâu ăn, vừa hồi hộp vừa thích thú.

Lần đầu thành công, ngựa quen đường cũ, lần sau anh lại rủ đi bẻ trộm, dù có ớn ớn trong lòng nhưng cũng gật. Việc phân công đứa canh chừng, đứa hái trộm cũng giống như lần trước, nhưng tôi lại mải lo nhìn anh hái trái, nên ông Ba chủ vườn tới sau lưng hồi nào mà không hay. Chỉ khi nghe tiếng ông Ba gầm lên: "Tụi bây con nhà ai, hả?" thì bụng bảo dạ, phen này coi như chết. Anh tôi thì chết đứng trên cây, tôi thì sụm hết đầu gối chân, nước mắt nước mũi bắt đầu ràn rụa trên gương mặt xanh tím vì sợ.

May sao, khi hai anh em nói tên ba má, ông Ba bèn ... nói: "Ông tha cho lần này, tụi bây có muốn ăn thì qua mà xin, tao bẻ cho, chứ đừng lén, leo té gãy tay chân. Con nít đừng ham sanh tánh trộm cắp, phá làng phá xóm chi bây". Hai anh em mặt cắt không còn giọt máu, lủi thủi đi về. Lời ông Ba hiền lành nhỏ nhẹ, nhưng từ đó anh em nhà tôi không bao giờ dám bén mảng qua vườn ông nữa.

Hồi đó, tôi đi học ở trường gần đình làng. Từ nhà đi ra trường phải đi tắt qua mấy khu vườn. Vườn nào cũng có cây trái đặc trưng, như vườn ông Năm toàn trồng xoài, mùa xoài chín, rụng đầy, tha hồ lượm, vườn nhà ông Sáu thì lại có một cây trâm, trái trâm to cỡ ngón chân cái, khi chín thì màu xanh đen, vị chua ngọt, đây cũng là thứ trái con nít đứa nào cũng khoái. Nhưng cây trâm to và cao, rất khó leo trèo, chỉ có thể chờ trái chín rụng mới lượm được. Còn không, chỉ chờ cô Hai nhà ông Sáu hái đem ra cổng trường ngồi bán, vài đồng thì được một lon trái trâm, tha hồ ăn. Vườn nhà tôi cũng trồng nhiều loại trái cây, thành thử, đi ra vườn lúc nào cũng có trái chua chua để chóp chép, nên trong túi áo tôi luôn thủ sẵn... gói muối hột. Má hay rầy muối thấm vào làm mục áo.

Vậy đó, đâu chỉ có trái để ăn, còn có thứ trái để nhìn là nhớ, nếm là nhớ. Ai biết được nhớ gì, nhưng cái thứ kỷ niệm của vùng trời tuổi nhỏ, đủ cho người ta thấy mình sống lạc quan hơn.

Nhã Linh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn