Gặp nhau chỉ một tiếng chào

Cập nhật ngày: 09/01/2013 04:35:32

Taxi dừng ở ngã tư đầu thôn. Người khách với thân hình hộ pháp bước từ trên xe xuống. Gặp tôi, khách vội vàng khoanh tay trước ngực, cúi gặp người:

- Con chào thầy!

Tôi đứng chỉ ngang vai khách, đã lùn lại nhỏ con, tạo nên sự tương phản rõ rệt, thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Bà con dân làng thấy tôi có khách lạ, cứ ngỡ là người nước ngoài, tốp ba, tốp 4 ra cửa đứng xem. Ở quê tôi là vậy, rất hiếu kỳ.

Bữa sau ra chơi quán nước đầu thôn. Mấy vị quây lại hỏi về người khách sáng qua. Tôi giải bày: Đó là học trò cũ, từ năm 1978, khi tôi dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp. Hiện nay, anh ấy đang công tác tại Trường Đại học Đồng Tháp. Bác bán đồ điện nói: “Nhìn cử chỉ của khách đối với ông, cháu thật ngạc nhiên và cảm động. Chắc chỉ có học trò thời ông dạy mới chào thầy như thế. Bây giờ thì kiếm đâu ra”. Ông bạn sửa xe tiếp lời: “Học trò bây giờ gặp thầy chỉ buông một tiếng thầy, thế là xong hoặc chỉ trợn mắt gật đầu”.

Ông bạn là kỹ sư cơ khí đã nghỉ hưu, lại bàn sang một ý khác: “Kể ra nghề dạy học như ông cũng có cái hay đấy chứ. Học trò đã xa thầy ngót ba thập kỷ, khi gặp lại vẫn đâu ra đó. Nghĩa tình không hề han rỉ. Trò gặp lại thầy mà như con gặp lại cha. Tôi đứng nhìn học trò cũ chào thầy mà phát thèm. Thế mới biết, tiền của chưa phải là tất cả. Sống mà còn nhớ, còn trọng nhau thì sướng còn gì”.

Được nghe dân làng bàn luận rôm rả về cách chào hỏi thầy cô giáo của học trò, tôi chỉ biết lắng nghe và suy ngẫm. Đúng là cái đạo lý của nghề giáo thật vô cùng quý giá. Nó có sức lan tỏa bền lâu trong không gian và thời gian. Cổ nhân đã dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Thời đại nào cũng vậy, đất nước nào cũng vậy, làm giáo dục mà thầy không tôn trọng, không thương yêu trò, trò không cảm phục, không tin tưởng thầy thì hiệu quả giáo dục sẽ bị triệt tiêu. Quá trình giáo dục từ khi bắt đầu đến khi kết thúc chỉ là con người. Mà đã là con người thì vô giá và thiêng liêng.

Năm 1980, khi đưa bác sĩ Nguyễn Khắc Việt vào thăm Đồng Tháp Mười, tôi được nghe bác sĩ tâm sự: “Làm nghề dạy học phải biết chấp nhận nghèo khó, phải biết hy sinh. Mình đã đi nhiều nước, không có người trọc phú mà là nhà giáo chân chính đâu. Nhưng đổi lại, nghề dạy học là nghề rất giàu trí tuệ và tình cảm”.

Lại nói về vị khách đến thăm tôi, người đã gây ra cuộc đàm đạo ngẫu hứng và thú vị cho mấy người dân quê. Anh là L.M.D, học ban toán, khóa I của Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp. Gặp lại anh, tôi như được gặp lại cả một thế hệ thầy và trò thời ấy. Đó là, thầy Hiến, thầy Nhã, thầy Đoàn, thầy Thành, thầy Tứ, thầy Sinh, thầy Hòa, thầy Ninh, thầy Phi, thầy Thảo, thầy Bưu, thầy Thanh, thầy Thắng, thầy Hương, thầy Giang, thầy Bảo, cô Hương, cô Dừa, cô Hằng, cô Nguyệt, cô Bé, cô Hiểu, thầy Cảm, thầy Pha, thầy Trường, thầy Thái... Họ là những người đã làm việc hết mình cùng bao thế hệ học trò của nhà trường.

Ngày ấy, thầy trò phải đi kéo tranh tre nước lá về làm phòng học và ký túc xá.

Ngày ấy, thầy trò đã lặn lội vào tận vùng sâu Tháp Mười và biên giới Hồng Ngự gặt thuê cho các tập đoàn sản xuất, thu về cho trường hàng trăm tấn lúa; ngày ấy, thầy trò đã dệt hàng chục mét vuông chiếu xuất khẩu; đi đào mương, đắp đê bao trồng hàng trăm hecta tràm ở xã Hưng Thạnh; đã đốt hàng chục triệu viên gạch để đổi lấy học bổng và lương tháng thứ 13 cho cả trường.

Ngày ấy, thầy trò đã đào hầm nuôi hàng chục tấn cá để thêm vào bữa ăn. Khổ mà vui. Thầy trò tự giác, say mê trong học tập rèn luyện, cần cù và dũng cảm trong lao động sản xuất. Thực ra, lợi về vật chất chưa nhiều, nhưng lợi về tinh thần lại rất lớn.

Tôi vẫn nhớ những năm tháng cùng đồng nghiệp khoa Văn mãi miết lội hoài trong nắng gió phương Nam, có bữa phải ăn mía, ăn ổi cho qua cơn đói, để tìm gặp những con người nổi tiếng một thời về tài vận hò và hò đối đáp. Để ghi cho được nỗi lòng người xưa, cuộc sống ngày xưa đã gửi vào những câu ca, điệu hò, mẫu chuyện, bài vè... Chính nhờ những chuyến điền dã đó mà chúng tôi có thêm vốn sống, có thêm tình đất, tình người.

Nay đã ngoài 70 tuổi, tôi đang sống cách xa Đồng Tháp ngót hai ngàn cây số đường bộ. Nhưng vẫn thấy rất gần. Vì đồng đất Tháp Mười đã làm nên một phần máu thịt của tôi. Với tôi, bà con, cô bác Đồng Tháp Mười mãi mãi là những người thân, người thầy. Tôi cứ đau đáu ngày đêm nhớ về vùng đất ấy. Nơi có con sông Tiền, sông Hậu rất hiền, nên chẳng bao giờ cần đê. Hai con sông ấy cứ thênh thang dòng chảy, cứ vỗ về yêu thương, để bồi đắp nên một vùng quê của những con người:

Gặp nhau chỉ một tiếng chào,
Mà như thương tự thuở nào người ơi!
Đất thơm bởi thấm mồ hôi
Đời vui nhất lúc mọi người thương nhau.

Đỗ Văn Tân
(Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Đồng Tháp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn