Vì sao nhạc Hàn có “fan” cuồng?

Cập nhật ngày: 06/06/2012 20:37:29

Điện ảnh xứ Hàn chuẩn bị tung ra bộ phim có thể gợi mở câu trả lời cho hiện tượng giới trẻ VN “cuồng” các ngôi sao của làng nhạc K-pop.

Còn nhớ cách nay ba năm, màn ảnh Việt lần đầu tiên xuất hiện bộ phim dạng tài liệu ca nhạc. “Michael Jackson’s This Is It” ghi lại hình ảnh Michael Jackson ráo riết tập luyện cho tour lưu diễn đánh dấu sự trở lại. Bộ phim dài hơn hai giờ cuốn hút người xem vào thế giới âm nhạc và vũ điệu đầy ma mị của ông hoàng nhạc pop, bằng những chi tiết sống động góp nhặt từ hàng ngàn thước phim hậu trường.


Nhóm nhạc Girl’s Generation trong bộ phim tài liệu ca nhạc
“I Am: SMTown Live World Tour in Madison Square Garden”

Thể loại ít thấy này một lần nữa trở lại rạp Việt qua bộ phim “I Am: SMTown Live World Tour in Madison Square Garden”. Nhưng có điểm khác biệt: nếu bộ phim đầu tiên giới thiệu chân dung một cá nhân có sức ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng toàn cầu. Thì bộ phim thứ hai phác thảo cả một nền nhạc pop đang trỗi dậy và vươn tầm ảnh hưởng ra khắp thế giới. Đó là nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc thường được gọi vắn tắt là K-pop (Korean popular music).

Lấy nguyên liệu từ hơn 4.800 cuộn phim và 4.400 video clip được lưu trữ, “I Am” kể lại câu chuyện của bảy nghệ sĩ/nhóm nhạc xứ Hàn nổi danh toàn cầu, gồm: KangTa, BoA, TVXQ, Super Junior, Girl’s Generation, SHINee, F(x). Bộ phim trải dài từ những năm tháng khổ luyện cho đến ngày họ xứng tầm đứng trên sân khấu Madison Square Garden giữa hàng ngàn khán giả thuộc đủ mọi chủng tộc, cùng hò hét và nhảy múa theo họ.

Bỏ qua những ánh đèn hào nhoáng và dễ khiến người ta mê muội của sân khấu, bộ phim đi sâu vào hậu trường để lột tả sự khổ luyện, nỗi sợ hãi, sự hoài nghi nhưng không bao giờ nguôi ước mơ của những người trẻ dấn thân vào K-pop.

Nhờ phương tiện chia sẻ nhạc số trên internet và các kênh truyền hình âm nhạc, những sản phẩm của họ nhanh chóng lan tỏa khắp toàn cầu. Đầu tiên là các nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Thái Lan…và gần đây là khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và các nước nói tiếng Tây Ban Nha. Đây là đặc điểm rất khác biệt với các nền nhạc pop, trong đó có VN, sống “dựa hơi” các chương trình âm nhạc theo phong cách truyền hình thực tế kiểu như The Voice, Idol….

Câu chuyện của “I Am”, dù chưa đề cập đến những khía cạnh u tối của K-pop như các vụ tấn công và lạm dụng tình dục, chế độ luyện tập khắc nghiệt, luật đào thải tàn nhẫn…, nhưng vẫn có thể mang lại câu trả lời cho riêng mỗi người về lý do vì sao nhạc Hàn lại có thể “làm mưa làm gió” khắp thế giới đến vậy. Và đúng như lời nhận xét của ca sĩ người Canada gốc Hàn G.Na: “K-pop, tôi nghĩ, đó là cá tính. Nó rất dễ nghe, dễ hát theo”.

Ngoài phong cách âm nhạc “vui nhộn và pha trộn nhiều thể loại, từ dance, electronic, hip hop, rock R & B”, sẵn sàng bỏ tiếng mẹ đẻ để dùng tiếng Anh và hát cho cả thế giới nghe, K-pop rõ ràng còn được hậu thuẫn rất mạnh bởi chính phủ Hàn Quốc, vốn xác định đây là sức mạnh mềm của một quốc gia. Bên cạnh chính phủ là những hãng âm nhạc hùng mạnh và nhạy bén trong kinh doanh, họ liên tục tung ra những ngôi sao mới.

Tuy nhiên, những lời cảnh báo cho rằng, trên bước đường dài từ một hiện tượng trên các kênh truyền hình và mạng internet đến bám rễ vào văn hóa và lối sống của giới trẻ toàn cầu, K-pop vẫn mới chỉ ở vạch xuất phát. Và những sự kiện như Bigbang đánh bại Britney Spear bằng 58 triệu lượt bầu chọn ở giải âm nhạc MTV Châu Âu 2011, Wonder Girls có bản “hit” lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100…là những thành công bước đầu.

ĐH (Theo Minh Chánh-Vietnamnet)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn