xây dựng văn hóa đọc cho trẻ

Cập nhật ngày: 24/06/2015 13:46:01

Gần đây, các thiết bị nghe nhìn hiện đại, hấp dẫn như smartphone, máy tính bảng, laptop, tivi... đua nhau phát triển cùng với sự phổ thông của mạng internet đã ít nhiều ảnh hưởng đến văn hóa đọc. Hình ảnh người trẻ cầm điện thoại, máy tính bảng ngày càng quen thuộc hơn là cầm quyển sách đọc. Việc gìn giữ văn hóa đọc trong xã hội hiện đại là hết sức quan trọng và cần phải có một quá trình lâu dài. Trong đó, xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ em chính là bước quan trọng đầu tiên.


Trẻ đọc sách tại Thư viện Đồng Tháp. 
Ảnh: Hữu Nghĩa

Việc tổ chức những chương trình thú vị để thu hút thiếu nhi và tập cho các em làm quen với nhiều đầu sách bổ ích là một cách làm hay của Thư viện Đồng Tháp. Khoảng 8 giờ sáng chủ nhật, tôi đến thư viện thấy có khoảng chục em tập trung ở phòng đọc dành cho thiếu nhi. Các giá sách, truyện, báo được thiết kế với hình dáng và màu sắc bắt mắt, sắp xếp khoa học trong không gian mở với nhiều ánh sáng. Các em thường chọn chỗ ngồi cạnh giá sách mà mình yêu thích và đọc rất chăm chú, trật tự. Hình ảnh sinh động này vừa là một tín hiệu đáng mừng vừa cho thấy không quá khó để đưa trẻ em tiếp cận với văn hóa đọc. Em Nguyễn Võ Quỳnh Trâm - học sinh lớp 3/2 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP.Cao Lãnh đang hào hứng trao đổi với bạn bè về tờ báo Nhi Đồng. Trâm chia sẻ: “Con tới thư viện thường xuyên. Con đọc sách, truyện tranh, báo dành cho thiếu nhi, con thấy có nhiều bạn đọc sách như con”.

Chúng ta vẫn thường thấy nhiều bậc cha mẹ cho con vừa xem tivi vừa ăn cơm hay dụ trẻ ngoan ngoãn ngồi chơi ở nhà bằng cách tập cho trẻ sử dụng điện thoại, máy tính bảng để rồi bắt đầu than phiền khi con mình ghiền công nghệ. Song vẫn có nhiều phụ huynh thay vì hướng trẻ sử dụng công nghệ đã cho trẻ tập làm quen với việc đọc sách. Nhiều trẻ đã tìm thấy niềm vui trong những quyển truyện cổ tích, văn học thiếu nhi hay báo Nhi Đồng. Từ thích thú dẫn tới say mê để rồi quyển sách sẽ gắn bó với các em như một người bạn không thể thiếu, từ đó việc đọc sách trở thành hoạt động thường nhật. Em Trần Triệu Mẫn học lớp 1/2 Trường Tiểu học Chu Văn An (TP.Cao Lãnh) cho biết, ngoài việc đến thư viện vào mỗi cuối tuần để đọc sách cùng bạn, mẹ còn mua và mượn thêm sách cho em đọc tại nhà. Mẫn bộc bạch: “Mẹ mượn về nhà được nhiều quyển sách hay như truyện tranh, từ điển về động vật, trong đó có rất nhiều động vật hoang dã. Ngoài ra, mẹ còn đến các cửa hiệu sách mua sách, từ điển về cho con đọc. Ở nhà con thường đọc sách vào buổi trưa, hay sau khi con ăn cơm xong”.

Có nhiều cách cha mẹ giúp con quen dần với sách như cha mẹ sẽ cùng đọc sách với bé, tổ chức những trò chơi đố chữ thú vị giúp bé ghi nhớ từ ngữ khó và những chi tiết trong sách; thường xuyên tặng sách cho bé như một món quà; cho bé cùng tham gia thiết kế một tủ sách nhỏ xinh xắn theo sở thích của mình trong nhà hay khuyến khích trẻ đọc sách cho em hoặc ông, bà nghe,... Trẻ rất dễ và rất thích tiếp thu cái mới nhưng cũng dễ mất tập trung nên phụ huynh cũng đừng thấy đó mà nản lòng. Bởi xây dựng một thói quen mà đặc biệt là thói quen đọc sách cần phải có một quá trình bền bỉ, lâu dài.

Lợi ích của việc đọc sách thì ai cũng biết. Riêng đối với trẻ em, đọc sách từ sớm sẽ giúp các em làm giàu vốn ngôn từ, phát huy trí tưởng tượng, tăng cường khả năng ghi nhớ, xây dựng sở thích và đặc biệt là nhân cách sống,... Từ một đứa trẻ thích đọc sách có thể hình thành một gia đình đọc sách, một xã hội đọc sách. Văn hóa đọc không bị mai một đôi khi được xây dựng nên chỉ từ những câu chuyện rất nhỏ như thế.

Phương Mai

Khi bắt đầu kỳ nghỉ hè đến nay, mỗi ngày có từ 400 - 500 lượt trẻ em đến với Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Ngoài việc tham gia các lớp năng khiếu như tin học, anh văn, vẽ tranh, cờ vua, múa,... thì các em còn hào hứng tham gia chương trình “Hè vui đọc sách” với nhiều hoạt động vui đọc như: đọc sách viết cảm nhận, đọc sách trả lời câu hỏi, đọc sách giải ô chữ,...

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn