Nồi lá xông của ngoại
Cập nhật ngày: 14/10/2013 04:06:16
Hồi còn bé, tôi có một sở thích ngược đời: thích được bệnh! Tuy không nói ra, nhưng mỗi lần bị “bệnh”, tôi thấy sung sướng trong lòng làm sao!
Lý do là mỗi lần bệnh được người lớn trong nhà quan tâm, chăm sóc, được chìu chuộng đủ thứ, được thấy mình là nhân vật “quan trọng”. Mà thiệt, dù chỉ bị bệnh cảm xoàng thôi, nhưng mỗi lần tôi “ấm đầu”, ba má đều tất bật chở tôi đi bác sĩ. Rồi vừa về tới nhà là thế nào cậu Út cũng đã nấu xong nồi cháo gà đậu xanh cho tôi ăn giải cảm. Má ngồi kế bên giường, nhẹ nhàng động viên tôi uống từng viên thuốc.
Mấy đứa em thì cứ xúm xít đứng quanh, tụi nó rụt rè hỏi han chớ không dám vòi vĩnh quấy rầy tôi như mọi khi. Nói chuyện với “bệnh nhân”, mọi người trong nhà ai cũng nhỏ nhẹ, ngọt ngào, tình cảm hơn. Và đương nhiên là tôi còn được “miễn” làm những việc lặt vặt hàng ngày của một đứa trẻ năm, sáu tuổi ở thôn quê như trông em, quét nhà. Những việc đó khi cậu Út đi học về sẽ thế vai tôi làm hết.
Nhưng còn một chuyện khác khiến tôi “thích bệnh”, đó là lần nào bệnh tôi cũng được bà ngoại nấu cho một nồi lá xông thơm phứt. Trong khi ba má lo dẫn tôi đi khám bác sĩ, thì ở nhà bà ngoại tất tả ra vườn đi tìm lá. Lá chanh, lá sả, lá bưởi, lá gừng, lá me, lá tía tô, lá ổi, lá ngải cứu... Đủ thứ lá gom lại một rổ được bà ngoại đem về rửa sạch, cho tất cả vào nồi, đổ ngập nước, bắc lên bếp nấu sôi. Nồi lá xông bốc khói nghi ngút, dậy lên mùi thơm lừng. Hơi nóng bay lên hòa quyện đủ thứ mùi vị của các loại lá, một mùi thơm nồng nàn, đậm đà thật khó tả, nó vừa giống mùi dầu gió vừa giống mùi rượu lại vừa giống mùi muối sả khi ăn ốc! Bà ngoại cẩn thận nhắc nồi ra khỏi bếp, lấy cái mền trùm kín nồi lá xông lại, bảo tôi chui vào trong đó ngồi “xông”.
Bà động viên tôi: Ráng đi con, xông cho “hơi độc” thoát ra hết, khỏi bệnh liền hà! Tôi nghe lời ngoại, xách theo cái khăn chui vào mền. Thấy tôi con nít lóng ngóng tay chân, bà ngoại chui luôn vào trong mền cùng “xông” với tôi. Mà thiệt, sau mỗi lần được xông lá, đầu óc tôi tỉnh táo hẳn lên, tinh thần sảng khoái, người nhẹ lâng lâng và bệnh cảm cũng mau chóng biến mất hồi nào không hay.
Bà ngoại rất tin tưởng ở “hiệu lực” của nồi lá xông. Bà nói với chúng tôi không biết bao nhiêu lần về tác dụng của mỗi loại lá dùng nấu nồi xông. Nghe mãi gần như thuộc lòng nhưng lần nào tôi cũng cứ lắng tai nghe ngoại giải thích cặn kẽ công dụng của từng loại lá. Đám con nít bọn tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy chúng chỉ là những chiếc lá bình thường mà lại có ích lợi cho con người nhiều đến như vậy. Chúng tôi thuộc lòng hết những tên lá và công dụng của nó. Chỉ trừ những lúc thi thoảng bị “bệnh” cần được chăm sóc, còn lại mỗi khi bà ngoại ra vườn hái lá nấu nồi xông cho “bệnh nhân” khác, bọn tôi đều lon ton chạy theo, đứa nào cũng dành cầm rổ cho bà ngoại rảnh tay chọn hái lá. Hái đủ các loại lá cho một nồi xông cũng là một sự tâm huyết.
Bọn tôi hỏi: Sao phải cần nhiều loại lá vậy, ngoại? Bà ngoại nói: Chịu khó tìm nhiều loại lá thì xông mới mau hết bệnh, con à! Và lần nào bà ngoại cũng kiên nhẫn hái đủ các loại lá mới chịu đi về. Chưa hết, đem về nhà nấu nồi xông phải chụm lửa lớn, nước sôi nhanh hơi mới nhiều. Nếu lửa không liên tục thì lá bị sượng, nồi xông sẽ ít “thơm” và giảm đi tác dụng. Bà ngoại bao giờ cũng kỹ lưỡng và thận trọng từ khâu hái lá cho tới nấu nồi xông, sản phẩm của ngoại lần nào cũng là một nồi lá xông thật “chất lượng”.
Nồi nước lá xông là “độc quyền” của bà ngoại. Trong nhà ai bị bệnh cũng được ngoại đi tìm lá nấu cho nồi xông, kể cả hàng xóm khi có người bị bệnh cũng được ngoại nấu dùm nồi xông bưng qua cho. Mỗi khi thấy má tôi mệt mỏi do làm lụng vất vả, ngoại nói: Con thấy trong người không khỏe phải không? Để má nấu cho nồi xông! Má tôi “xông” xong tươi tỉnh lại liền. Vì vậy mà chúng tôi đâm “ghiền” cái mùi lá xông của ngoại. Tuy nhiên, mỗi lần bị bệnh, ngoài nồi lá xông, tôi còn cảm nhận được tình thương vô bờ bến của ngoại dành cho tôi.
Chỉ mới phát hiện thấy tôi hơi “lừ đừ” mệt mỏi là ngoại đã tất bật lo lắng. Buổi tối ngoại thức suốt để canh cho tôi ngủ, liên tục rờ trán xem tôi bớt sốt hay chưa. Ngoại có nhiều cháu, đứa nào cũng được bà quan tâm nhưng tôi có cảm giác mình được “thiên vị” nhiều nhất. Sau mỗi lần tôi hết bệnh, như để bù đắp, bao giờ bà ngoại cũng cho tôi theo đi chợ, đi đám tiệc, đi thăm bà con... và đương nhiên là tôi còn được bà mua cho nhiều món quà quê thật ưng ý!
Năm tháng qua đi, bây giờ mặc dù bà ngoại không còn nữa nhưng nồi nước lá xông vẫn thỉnh thoảng được sử dụng trong gia đình tôi mỗi khi có người nhà bị cảm, bị bệnh... Bây giờ, tôi không còn cái sở thích “ngược đời” như hồi bé nữa, nhưng mỗi lần bị bệnh, tôi đều được má nấu cho nồi lá để “xông” giống như bà ngoại ngày xưa đã làm. Những đứa cháu nhỏ trong gia đình tôi cũng “ghiền” được xông lá mỗi khi bị bệnh, chúng cũng biết được sự hiệu nghiệm của nồi nước lá xông và cũng cảm nhận được tình thương yêu vô bờ của người lớn. Bởi, công dụng của nồi lá xông ngoài vị thuốc của từng loại lá còn là sự chăm chút, tỉ mỉ, kỳ công, là biểu hiện của tình thân ruột thịt trong một gia đình.
Ngọc Điệp