Thơ Đồng Tháp đương đại - Hai vấn đề trăn trở

Cập nhật ngày: 04/04/2022 10:56:24

ĐTO - Một là, vấn đề đổi mới thơ. Trong bài điểm thơ tạp chí Văn nghệ (thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp) năm 2021, số đặc biệt Xuân Nhâm Dần - 2022, tôi có nói đến một ý, rằng: đổi mới văn chương nói chung, thơ nói riêng một cách đích thực, khó có thể diễn ra một sớm một chiều, mà phải là một quá trình dài trong không gian, thời gian, hơn thế, dường như phải diễn ra trong những chu kỳ hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Đã gần một thế kỷ qua, từ phong trào Thơ Mới (1930 - 1945) đến nay, thơ Việt Nam, hà tất đã có một sự kiện (trào lưu, khuynh hướng) đổi mới nào được ghi nhận một cách chính thức, trừ một vài biểu hiện lẻ tẻ đây đó, tự cho mình đang làm mới thơ bằng lối mô phỏng một cách cứng nhắc các kiểu thơ hậu hiện đại, tân hình thức... trên thế giới.

Phát triển và đổi mới là quy luật biện chứng của Tạo hóa. Không phát triển, không đổi mới, đồng nghĩa với hư hoại, tan rã và biến mất. Sự hư hoại, tan rã và biến mất ấy hiển hiện trong sự nhàm lặp, đơn điệu, cũ mòn. Đó là quy luật của tất cả mọi sự vật, hiện tượng, vấn đề... trên thế gian này. Văn chương nói chung, thơ nói riêng, khi đã đi vào con đường nhàm lặp, đơn điệu, cũ mòn thì cũng coi như, tất cả đã chấm hết!

Vậy, như thế nào mới có thể coi là có biểu hiện của đổi mới thơ trong nền thơ Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng hiện nay? Đây là một câu chuyện dài, khó có thể nói đến một cách thấu đáo chỉ trong chút thời khắc đàm đạo văn chương ngắn ngủi như thế này. Và bàn đến nó cũng phải cần đến những nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình tầm cỡ. Với phong vị cây nhà lá vườn, xin có đôi điều bày tỏ sau đây.

Điều đầu tiên của đổi mới thơ là từng người làm thơ, không và đừng bao giờ lặp lại mình trong thể tài, cấu tứ, không gian và thời gian thi pháp thơ. Vẫn viết ca ngợi và đồng hành với quê hương với tư cách là đề tài muôn thuở, nhưng bài sau phải mới và khác với bài trước. Từ một đề tài vốn quen thuộc của Đất Sen hồng là sen, nhưng nếu viết không khéo, sẽ đi vào vết cũ, lặp và gây ra cảm giác nhàm chán. Đổi mới tức là bài thơ sen sau phải có cái gì đó khác với bài thơ sen trước. Tương tự, các đề tài, chủ đề khác cũng vậy, nhất là đề tài tình yêu lứa đôi. Theo tôi là vậy!

Điều nữa, đổi mới thơ là từng người viết phải biết thâm nhập một cách sâu sắc vào cuộc sống, qua đó có thể phát hiện ra những khía cạnh, góc khuất của đề tài, lâu nay còn là tiềm năng, còn ẩn giấu đâu đó. Nội dung mới thì dù vẫn là thể loại thơ cũ, mang tính truyền thống như lục bát hay thơ Đường luật, tác phẩm vẫn long lanh ánh sáng của sự mới mẻ, quyến rũ, mời gọi và khơi gợi. Một ví dụ có thể còn khập khiểng, nhưng tôi cho là có cơ sở thực tiễn, đó là thơ viết về khởi nghiệp, về sự táo bạo, chủ động của giới trẻ trong xây dựng, phát triển kinh tế địa phương hiện nay. Đó chính là sự đổi mới thơ. Chúng ta ca ngợi về sen, về lúa, về hạt gạo đã nhiều và vẫn tiếp tục ca ngợi. Nhưng phải chăng, các loại cây trái đặc sản đang trở thành hàng hóa tiên phong, các mô hình làm ăn mới như Hội quán nông dân của Đồng Tháp... cũng rất đáng được thơ cập nhật, lan tỏa. Mới ở đó chứ đâu nữa!

Với thể loại thơ, nếu thơ lục bát được một số tác giả làm mới chủ yếu bằng cách ngắt dòng, ngắt nhịp..., chất trữ tình nhường đất cho chất triết lý, triết luận nhiều hơn thì thơ tự do, sự đổi mới có không gian mênh mông, đúng với nghĩa của từ tự do, với những bài thơ, dòng thơ dài ngắn khác nhau, có khi không mấy lưu tâm đến vần điệu mà chủ yếu triển khai rõ tứ thơ... Nhiều tác giả thơ của Đồng Tháp cũng đã cố gắng đổi mới theo hướng trên và ít nhiều đạt được kết quả.

Chúng ta không chấp nhận thứ đổi mới thơ theo hướng bắt chước, copy, ngoại lai, khua chữ một cách tắc tị, bí hiểm hay tục tĩu một cách trơ trẽn như đang diễn ra đây đó. Sự đổi mới của chúng ta là sự đổi mới của kế thừa, sự đổi mới chắc chắn, lành mạnh và mang lại những giá trị nghệ thuật đích thực. Đó chính là con đường mà những người làm thơ của Đồng Tháp luôn hướng đến. Và đó cũng chính là một trong những con đường đồng hành cùng quê hương một cách đích thực của thơ Đồng Tháp.

Hai là, vấn đề trẻ hóa đội ngũ. Đây là điều trăn trở của chúng ta trong thời gian gần đây. Trẻ hóa là những người làm thơ có thâm niên luôn biết trẻ hóa mình, luôn biết làm mới để vươn lên. Nhưng quan trọng hơn, quan trọng nhất là phải biết phát hiện, bồi dưỡng những cây bút mới, cây bút trẻ, nhất là trẻ tuổi đời. Tôi có cảm tưởng, lực lượng thơ của chúng ta hiện tại, đang gặp “vết gãy khúc”, tuy không lớn, nhưng cũng rất đáng được lưu tâm, chú ý. Thật vậy, sau thế hệ của những Siêu Thị Chiêu Linh, Cẩm Nhung, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Tấn Vũ... xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây, được coi là thế hệ trẻ nhất hiện nay, nền thơ Đồng Tháp mới chỉ thấy xuất hiện hai gương mặt tươi tắn, đầy hy vọng, gọi là mới nhưng không còn trẻ: Thắm Văn và Lê Sắc Mi! Có thể khẳng định, trong những năm qua, chúng ta chưa có điều kiện để phát hiện những gương mặt thơ mới...

Theo tôi được biết, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp mà trực tiếp là Phân hội Văn học sẽ khởi động trở lại dự án phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp, qua đó, tổ chức cuộc thi sáng tác văn chương nói chung, thơ nói riêng trong học sinh các cấp như đã tồn tại nhiều năm trước đây. Làm được điều này, chúng ta sẽ có đất để phát hiện, nhen nhóm, bồi dưỡng những cây bút sáng tác thơ trẻ và mới cho Đất Sen hồng. Đó cũng chính là một trong những biểu hiện thiết thực của sự đồng hành với quê hương trong tiến trình phát triển đi lên.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn