Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ, trợ giúp trẻ em yếu thế tại cộng đồng

Cập nhật ngày: 25/08/2023 15:05:07

ĐTO - Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp (BTXHTH) tỉnh duy trì hoạt động tiếp nhận thông tin về các trường hợp trẻ em (TE) cần được bảo vệ; trực tiếp tư vấn tâm lý, hướng dẫn kỹ năng bảo vệ cho gia đình và TE. Đồng thời phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện, thành phố, UBND xã, phường, trị trấn khảo sát, lập hồ sơ hỗ trợ cho TE có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) theo quy định.


Đại diện lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh (thứ 2 từ phải sang) thăm và trao tiền hỗ trợ cho trẻ em tại xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình

Trung tâm BTXHTH tỉnh được Sở LĐ-TB&XH giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo vệ TE có HCĐB ở 3 cấp độ: phòng ngừa; can thiệp sớm; trợ giúp, phục hồi. Các trường hợp được can thiệp, hỗ trợ là TE bị xâm hại tình dục, bạo hành, sao nhãng, cuộc sống khó khăn, có nguy cơ bỏ học, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và nguy cơ vi phạm pháp luật... Bà Lê Thanh Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm BTXHTH tỉnh, cho biết: “Đơn vị duy trì đường dây nóng là số điện thoại 02778.51.61.71 tất cả các ngày trong tuần nhằm tiếp nhận thông tin về TE cần trợ giúp; tổ chức tư vấn chính sách, pháp luật, kết nối cung cấp các dịch vụ bảo vệ TE khi cần thiết. Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp nhận thông tin TE yếu thế thông qua Ban Bảo vệ TE cấp xã, cấp huyện, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook... Từ đó, phối hợp chặt chẽ với công chức LĐ-TB&XH, cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn xác minh thông tin và lập kế hoạch kết nối trợ giúp cho các em theo quy định”.

Trường hợp em Nguyễn Thị Cẩm Tú (SN 2016, ngụ Ấp 5, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình) đang sống cùng ông, bà nội đã lớn tuổi, không nghề nghiệp ổn định nên rất cần sự trợ giúp từ cộng đồng. Tiếp nhận thông tin từ cộng tác viên công tác xã hội xã về hoàn cảnh của em Cẩm tú, Trung tâm BTXHTH tỉnh phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Bình, đại diện lãnh đạo UBND xã Tân Mỹ đến khảo sát và lập hồ sơ quản lý theo quy định của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ và chi hỗ trợ từ ngân sách tỉnh với số tiền 1.750.000 đồng.

Sắp bước vào năm học mới, nhiều TE có HCĐB đứng trước nguy cơ phải bỏ học, Trung tâm BTXHTH tỉnh tăng cường hoạt động khảo sát, vãng gia tư vấn tâm lý, kịp thời động viên TE tiếp tục đến trường. Hoàn cảnh em Lê Thị Ngọc Hoa (SN 2010) ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành là một điển hình. Cha mẹ đều mất, em Hoa và anh trai (SN 2004) phải sống nương tựa vào nhau trong căn nhà nhỏ, xiêu vẹo. Vì gia cảnh thiếu thốn, anh trai của Ngọc Hoa phải nghỉ học từ năm 2019 để đi làm thuê trang trải cuộc sống. Năm học 2023 - 2024 đến gần, Ngọc Hoa không có tiền mua quần áo, tập sách nên từng nghĩ đến việc phải bỏ học. Đầu tháng 8/2023, Trung tâm BTXHTH tỉnh đã lập hồ sơ và chi hỗ trợ khó khăn khẩn cấp cho Ngọc Hoa với số tiền 1.750.000 đồng từ nguồn kinh phí Tổ chức Unicef Việt Nam tài trợ. Đồng thời kết nối với các mạnh thường quân hỗ trợ quần áo, dụng cụ học tập, giúp Ngọc Hoa có điều kiện tiếp tục đến trường...

Trường hợp em Cẩm Tú và Ngọc Hoa là 2 trong số nhiều trường hợp TE yếu thế tại cộng đồng nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm BTXHTH tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, từ nguồn ngân sách của tỉnh, Trung tâm BTXHTH tỉnh đã chi hỗ trợ cho 446 TE có HCĐB với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; phối hợp Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố tổ chức khảo sát lập hồ sơ cho 45 TE được hưởng trợ giúp khó khăn khẩn cấp từ nguồn Tổ chức Unicef Việt Nam, kinh phí hơn 78.750.000 đồng. Ngoài ra, Trung tâm BTXHTH tỉnh còn thường xuyên tiếp cận, đánh giá các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến TE bị xâm hại, bạo lực, bóc lột và sao nhãng để hỗ trợ TE và gia đình có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, pháp lý khai sinh, hộ khẩu, chính sách trợ cấp xã hội...

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn