25 năm hết lòng vì công tác dân số ấp Tân Bảnh

Cập nhật ngày: 09/06/2020 05:54:35

ĐTO - Làm công tác dân số (DS) ở ấp Tân Bảnh, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng từ năm 1995, lúc nhiều cộng tác viên DS (nay là nhân viên y tế ấp) bỏ việc vì thu nhập thấp và lại gặp phải những phản ứng trong công tác vận động nhưng cô Diệp Mỹ Dung (nhân viên y tế ấp Tân Bảnh) vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. 25 năm gắn bó với công tác DS ấp Tân Bảnh, cô Dung đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người dân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhờ đó, công tác DS trên địa bàn đã đạt kết quả nhất định, nhiều gia đình nhờ đó mà có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc.


Cô Diệp Mỹ Dung (bìa trái) tuyên truyền về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho phụ nữ mang thai trên địa bàn

Tham gia công tác DS từ năm 1995, điều kiện phương tiện đi lại, đường sá rất khó khăn nên những ngày đầu làm công tác DS với cô Dung vô cùng vất vả. Cô Dung chia sẻ: “Mỗi khi đến nhà người dân vận động KHHGĐ, tôi phải đi bộ và thường là vào buổi chiều muộn, bởi lúc đó mới có mặt đầy đủ các thành viên trong gia đình ở nhà. Nhiều hôm, phải đến chạng vạng tối tôi mới về đến nhà”. Không chỉ vậy, Tân Bảnh là địa bàn vùng sâu nên trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhiều gia đình nghĩ có nhiều con để phụ việc đồng áng hoặc có con trai để nối dõi tông đường,... đã tạo nên rào cản không nhỏ trong công tác tuyên truyền, vận động. Những năm đầu làm công tác DS, ngày nào cô Dung cũng đi vận động từ sáng tới tối bởi lúc đó, ấp có rất nhiều gia đình khó khăn, đông con nhưng lại không chịu kế hoạch, có nhiều gia đình, cô phải tới lui vận động cả chục lần, chưa kể nhiều người còn có lời nặng nhẹ.

Không nản lòng trước những khó khăn, cô Dung luôn cố gắng, thường xuyên cập nhật thông tin về hoàn cảnh gia đình của từng nhà. Dần dần, cô Dung biết hoàn cảnh từng người, từng nhà ở địa phương, từ đó vận dụng nhiều cách tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để dần thay đổi nhận thức của người dân. Cụ thể, ngoài các cuộc họp tổ, cô tranh thủ buổi trưa, buổi tối đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do sinh nhiều con, các cặp vợ chồng sinh con một bề để trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, vừa kết hợp tư vấn, vận động họ KHHGĐ để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con tốt, phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài việc tuyên truyền giảm sinh, cô Dung còn tích cực tuyên truyền các vấn đề về nâng cao chất lượng DS như cách phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; sàng lọc trước sinh, sơ sinh ... để mọi người hiểu rõ hơn về sức khỏe sinh sản và thực hiện đúng chính sách DS/KHHGĐ. Nhiều gia đình nhờ vậy đã có cuộc sống khấm khá và ổn định.

Chị Phan Thị Thúy (SN 1987) đang mang thai tháng thứ 8 chia sẻ: “Từ lúc tôi mới mang thai cho đến giờ, cô Dung thường xuyên tới lui tư vấn, hướng dẫn cho tôi đi khám thai định kỳ và thực hiện những xét nghiệm sàng lọc cần thiết trong thai kỳ để sinh được đứa con khỏe mạnh. Qua tư vấn của cô, lúc thai 12 tuần tôi đã thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy cho bé để tầm soát các bệnh tật bẩm sinh, thực hiện tiêm ngừa, đo đường huyết để có chế độ ăn hợp lý tránh tiểu đường thai kỳ... Mà không riêng gì lần này, lần mang thai trước, tôi cũng được cô Dung hướng dẫn rất tận tình nên trong suốt thai kỳ tôi rất yên tâm, không phải bỡ ngỡ lo lắng gì về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Không chỉ vậy, qua tư vấn của cô, vợ chồng tôi cũng quyết định sau khi sinh đứa con này sẽ thực hiện KHHGĐ, dừng lại ở 2 con để tập trung phát triển kinh tế, có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ tốt cho các con”.

Gian nan vậy nhưng khi được hỏi, đã bao giờ cô có ý định từ bỏ công việc này không? Cô Dung chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi có ý định bỏ công việc. Làm công việc này, tôi học được nhiều điều lắm, nhất là tôi đã học được chữ “nhẫn, thân thiện và mềm mỏng”. Đặc biệt, để làm tốt công việc, ngoài sự gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân thì cần phải có kiến thức liên quan đến công tác DS-KHHGĐ. Vì vậy, tôi không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, kết hợp với việc đọc sách, báo, nghe đài về vấn đề DS. Với tôi, được làm công tác DS là được góp phần công sức nhỏ bé của mình làm cho quê hương giàu mạnh hơn”.

Nhận xét về cô Dung, ông Nguyễn Văn Ngự - Trưởng Trạm Y tế xã Tân Phước nói: “Cô Dung là một người rất tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc, những chuyển biến tích cực về công tác DS-KHHGĐ của xã trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của cô Dung. Trước đây, ở ấp Tân Bảnh, tư tưởng phong kiến trong người dân rất nặng, gia đình nào cũng muốn sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường và sinh con đông cho “vui nhà vui cửa” nên đa phần các cặp vợ chồng sinh nhiều con, 4 - 5 con là chuyện thường. Nhưng từ khi cô Dung đảm nhận công DS ở đây đã giúp nhiều bà con thay đổi tư tưởng. Nhiều người đã tự nguyện triệt sản, đình sản,... dừng lại ở 2 con để chăm lo cho gia đình được tốt hơn. Những năm gần đây, trên địa bàn ấp chỉ có 1, 2 trường hợp sinh con thứ 3, nên đời sống chị em ở đây cải thiện hơn trước rất nhiều”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn