Ảm đạm làng nghề đóng xuồng ghe
Cập nhật ngày: 28/06/2013 06:07:07
Nhiều năm qua, nghề đóng xuồng ghe đem lại thu nhập khá ổn định cho bà con ở rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung. Nhưng hiện tại, làng nghề gặp nhiều khó khăn do xuồng ghe đóng ra không có nơi tiêu thụ, nhiều cơ sở lâm vào cảnh nợ nần, thợ lành nghề trong vùng giờ không còn thiết tha với “cái bào, cái đục” chân truyền của cha ông để lại, hơn nửa số hộ làm nghề đã tìm hướng mưu sinh mới.
Thợ đóng xuồng ở Rạch Bà Đài cố gắng bám trụ với nghề
trước tình hình khó khăn
Theo nhận định của bà con nơi đây, xuồng ghe ở Bà Đài kinh doanh ế ẩm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do mùa nước năm 2012 nhỏ, lượng cá tôm cũng giảm so với mọi năm nên lượng khách hàng mua xuồng sử dụng cho việc giăng câu, thả lưới cũng ít hẳn.
Ông Võ Văn Bảy (SN 1963), chủ vựa xuồng nổi tiếng ở rạch Bà Đài bộc bạch: “Năm rồi, nước về muộn và ít nên cả một vụ cơ sở của tôi chỉ bán được khoảng 400 chiếc xuồng, trong khi những năm trước, vựa tôi bán hơn 1.000 chiếc, hàng lúc nào cũng hút như “tôm tươi”, sản xuất cả ngày lẫn đêm vẫn không đủ bán”.
Sau mùa nước năm 2012, nhiều cơ sở đóng nhỏ lẻ lâm vào cảnh nợ nần do không bán được xuồng hoặc phải bán với giá rất thấp cho những vựa xuồng lớn. “Nợ mẹ đẻ nợ con” khiến cho nhiều bà con theo nghề phải điêu đứng.
Chị Lê Kim Lan - chủ cơ sở đóng xuồng ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu tâm sự: “Để chuẩn bị hàng cho mùa nước vừa rồi, gia đình tôi đã vay của ngân hàng hơn 50 triệu đồng để mua cây và thuê nhân công đóng xuồng, ai ngờ xuồng không bán chạy nên tới giờ tôi vẫn chưa trả hết nợ. Mùa nước năm nay đang đến mà vẫn chưa thấy thương lái tới đặt hàng, nếu tình hình tiếp tục khó khăn chắc xong năm nay tôi cũng giải nghệ luôn”.
Xuồng không bán được nên tiền công thợ, các chủ trại vẫn còn nợ lại, đời sống của những người thợ càng thêm khó khăn. Theo nhiều người thợ trong nghề, do không có đất sản xuất, nghề đóng xuồng không còn đem lại thu nhập ổn định, nên nhiều người đành khăn gói lên TP.HCM làm công nhân tại các khu chế xuất.
Với các hộ đóng ghe tải trọng lớn tình cảnh cũng không mấy khả quan. Mặc dù, không phụ thuộc nhiều vào mực nước nhưng hiện tại nghề đóng ghe đang chịu tác động từ các hệ lụy suy giảm chung của nền kinh tế, nên nhiều cơ sở đóng ghe nơi đây lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Ghe đã đóng xong tới ngày xuất bến nhưng khách hàng vẫn mất tăm, mất dạng.
Ông Nguyễn Văn Tám ngụ ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, một “lão làng” có hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề đóng ghe trọng tải lớn cho biết thêm: “Hiện tại giá lúa gạo đang xuống thấp, tình hình kinh doanh cũng rất bấp bênh, khiến nhiều người không dám mạnh dạn bỏ ra vài trăm triệu đồng để đóng ghe đi lúa. Hơn nữa, những năm về trước chúng tôi thường đóng các loại ghe trọng tải trên 20 tấn cho bà con chở rơm miệt Tân Hòa, nhưng hiện tại diện tích trồng nấm rơm cũng đang giảm dần. Vì vậy, khách hàng lớn ở đây cũng ít”.
Bên cạnh đó, các cánh đồng vùng đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn đều có đê bao ngăn lũ khép kín, vì vậy việc sử dụng xuồng cũng giảm đi ít nhiều. Còn ở nông thôn, các tuyến giao thông chính gần như được bê tông hóa, xuồng ghe không còn là phương tiện chuyên chở chủ yếu của bà con vùng sông nước mà thay vào đó là những phương tiện như: xe máy, xe ba gác, xe tải... Các phương tiện đường thủy đang mất dần ưu thế trong nền kinh tế thị trường.
Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Long Hậu cho hay: “Mặc dù tình hình phát triển của làng nghề gặp nhiều khó khăn, nhưng địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để làng nghề tiếp tục phát triển, lãnh đạo xã đang tích cực tìm kiếm những hướng phát triển mới cho làng nghề”. Để làng nghề đóng xuồng ghe truyền thống phát triển bền vững trong thời gian tới, người dân mong được sự hỗ trợ vốn từ nhà nước để bà con có điều kiện tái sản xuất. Ngoài ra, địa phương cần xây dựng mô hình hợp tác xã để bảo vệ thương hiệu “Xuồng ghe rạch Bà Đài”.
Mỹ Lý