Anh phụ hồ nghèo đi vá đường
Cập nhật ngày: 29/06/2021 10:42:54
ĐTO - Dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nhưng suốt nhiều năm qua, ngoài thời gian đi làm thuê, anh cặm cụi đi vá những “ổ voi”, “ổ gà” trên nhiều tuyến đường ở trong và ngoài xã, góp phần giúp mọi người lưu thông an toàn hơn. Anh là Nguyễn Văn Khâm (SN 1976) ngụ Ấp 2, xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng.
Anh Nguyễn Văn Khâm cùng con trai - cháu Nguyễn Quốc Khiêm vá tuyến đường đan ven kênh Tứ Tân (xã Tân Thành B)
Sau nhiều lần hỏi thăm đường đi, chạy qua những con đường ngoằn ngoèo, chúng tôi cũng tìm được nhà của anh Khâm - một căn nhà tạm, rộng khoảng 20m2, cất nhờ trên đất của người thân cách đây hơn 10 năm. Qua thời gian, căn nhà bị dột mưa, sụp nền... nhưng hiện vẫn là nơi trú ngụ của 3 thành viên trong gia đình anh Khâm. Theo anh Khâm, năm 2002, anh nên nghĩa vợ chồng với chị Trần Thị Trường An, gia đình cha mẹ hai bên đều nghèo khó. Cái nghèo “di truyền” tới đời anh, không đất sản xuất cũng chẳng có đất ở, lại không nghề nghiệp ổn định. Anh Khâm là lao động chính trong gia đình, phải làm thuê nhiều việc để kiếm sống, chủ yếu là phụ hồ. Nghề phụ hồ mang về thu nhập từ 200 - 220 ngàn đồng/ngày nhưng công việc bấp bênh. Anh Khâm chia sẻ: “Gia đình nghèo nhưng tôi luôn dặn lòng “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, nỗ lực lao động để lo cho gia đình, tuyệt đối không làm những điều xấu hay vi phạm pháp luật. Sống có tình, có nghĩa và cố gắng làm điều hữu ích cho xã hội”.
Nhận thấy một số tuyến đường xuất hiện nhiều “ổ voi”, “ổ gà”, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người đi đường nên từ năm 2016 đến nay, tranh thủ thời gian rảnh, anh Khâm thường xuyên đi vá đường. Ban đầu, anh xin vật liệu xây dựng còn dư của những gia đình mà anh làm phụ hồ. Dần về sau, thấy việc làm của anh có ý nghĩa, người dân và mạnh thường quân ở địa phương đóng góp cát, đá, xi măng... để anh đi “chữa lành vết thương” cho những con đường. Noi gương cha, tuy còn nhỏ nhưng cháu Nguyễn Quốc Khiêm (SN 2009) - con trai của anh Khâm tự nguyện cùng cha đi vá đường. “Con phụ bưng cát, đá, xách nước, trộn hồ... Làm mệt mà con cảm thấy rất vui vì giúp đường láng, chạy xe êm hơn. Sau này, khi cha của con già yếu, con sẽ tiếp nối công việc sửa, vá đường” - Quốc Khiêm hồn nhiên bộc bạch.
Trong 5 năm qua, anh Khâm đi giặm vá các tuyến đường như: Tỉnh lộ 843, đường Gò Tre, bờ Đông kênh Sa Rài, bờ Tây kênh Tân Thành, đường ven kênh Tứ Tân cùng nhiều tuyến đường nông thôn khác ở trong và ngoài xã Tân Thành B. Sơ tính, anh Khâm dành hàng trăm ngày công lao động để vá đường; vận động nhiều người ủng hộ vật liệu xây dựng, trị giá khoảng trên 60 triệu đồng. Với sự chung tay, góp sức của anh Khâm, nhiều con đường hạn chế xuất hiện “ổ gà”, “ổ voi” nên đi lại dễ dàng, an toàn. Cô Nguyễn Thị Hiền ở ấp 2, xã Tân Thành B cho biết: “Hàng ngày, tôi chạy xe đi bán rau trên nhiều tuyến đường, không ít lần tôi gặp chú Khâm và đứa con trai cặm cụi vá đường. Tôi rất quý và trân trọng việc làm này của chú ấy”.
Việc làm ý nghĩa của anh Khâm tạo ra sự lan tỏa tốt đẹp. Một vài người bạn của anh cũng có ý định góp công lao động, cùng anh đi sửa chữa, giặm vá đường. Anh Khâm cho biết: “Thời gian tới, tôi vừa nỗ lực làm việc để cải thiện kinh tế gia đình, vừa tiếp tục đi vá đường. Tôi mong ước có được cái máy trộn bê tông và xe ba gác để chở nhiều vật liệu xây dựng hơn. Có đủ đồ nghề như vậy thì tôi và anh em sẽ tăng năng suất lao động, sửa chữa, giặm vá đường nhiều hơn”. Theo đồng chí Nguyễn Văn Đẻn - Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành B, mặc dù gia đình nghèo, phải làm thuê kiếm sống nhưng trong khả năng của mình, anh Khâm vẫn giúp ích cho xã hội. Nhiều năm qua, anh bỏ công đi giặm vá những “ổ voi”, “ổ gà” trên đường để mọi người lưu thông an toàn. Việc làm của anh rất đáng ghi nhận, biểu dương. Anh Khâm đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh và Giấy khen của UBND huyện Tân Hồng.
N.AN