Báo động tình trạng tai nạn điện trong nông nghiệp
Cập nhật ngày: 24/07/2015 11:51:03
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh, 6 tháng đầu năm 2015 toàn tỉnh xảy ra 15 trường hợp tai nạn điện, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý trong 15 trường hợp tai nạn điện thì có đến 6 trường hợp nạn nhân bị tử vong có liên quan đến việc sử dụng motor điện trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá khảo sát của Phòng Điện năng thuộc Sở Công Thương tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có khá nhiều đường dây dẫn điện hạ thế của người dân phía sau đồng hồ điện được lắp đặt phục vụ cho việc bơm, tưới trong nông nghiệp còn tạm bợ. Trong thực tế đường dây tự kéo của người dân đa phần chưa đảm bảo đủ điều kiện an toàn như: đường dây đấu nối chưa đảm bảo, sử dụng dây điện có tiết diện không phù hợp, đường dây được kéo trên cột gỗ không chắc chắn, dễ ngã đổ do mưa bão, giông lốc có nguy cơ gây ra tai nạn điện khi dây dẫn tróc vỏ, đứt dây, vô tình chạm vào.
Trường hợp phổ biến nhất hiện nay là nhiều hộ sử dụng motor điện nhưng lại không làm mái che cho motor hoặc để motor ở những nơi ẩm thấp, dễ dẫn đến tình trạng motor bị chạm điện và phần lớn không lắp các thiết bị chống giật cũng như cột tiếp đất gây mất an toàn khi sử dụng...
Để đảm bảo hệ thống điện được an toàn, người dân nên đến đơn vị điện lực gần nhất để được tư vấn về khâu kỹ thuật trước khi lắp đặt. Cần lưu ý là đường dây điện phải dùng dây bọc cách điện hoặc cáp điện, tiết diện dây phải phù hợp với công suất sử dụng. Cầu dao, công tắc, ổ cắm phải đặt ở nơi khô ráo, thuận tiện cho việc sử dụng. Các trụ đỡ dây điện bằng gỗ mục, không vững hay gắn trên cây xanh phải nhanh chóng thay thế bằng các trụ bê tông đúc sẵn. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện để sửa chữa, thay thế kịp thời các thiết bị điện, dây dẫn bị hư hỏng, tróc vỏ cách điện. Chỉ được sửa chữa các thiết bị điện khi đã cắt điện hoàn toàn, có biện pháp cảnh báo mọi người biết đang sửa chữa điện và có người giữ cầu dao điện để tránh các trường hợp vô ý mở cầu dao điện khi đang sửa chữa.
Đối với các hộ gia đình sử dụng motor điện phục vụ bơm, tưới nên lắp đặt thiết bị chống giật để đảm bảo an toàn. Các thiết bị điện phải dùng phích cắm điện hoặc công tắc, không được dùng các vật liệu bằng kim loại tự chế câu móc vào dây dẫn. Dây dẫn điện phải nối bằng cách vặn xoắn và phải nối so le với nhau, sau đó dùng băng keo cách điện bọc kín mối nối. Khi lắp đặt motor điện cần sử dụng dây nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi có sự cố về điện xảy ra. Cần bảo quản tốt, che chắn kỹ motor điện, vị trí đặt máy ở nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với nước. Cầu dao ngắt điện, công tắc, ổ cắm phải được lắp đặt ở nơi an toàn nhưng ở vị trí thuận lợi để khi xảy ra tai nạn có thể xử lý kịp thời...
Ông Nguyễn Văn Luận - Trưởng Phòng Điện năng, Sở Công Thương tỉnh khuyến cáo: “Thông thường khi bị điện giật, thân nhiệt của nạn nhân xuống thấp do đó người thân của nạn nhân tuyệt đối không dùng các biện pháp dân gian như: tưới nước vào người nạn nhân, đắp bùn non lên người nạn nhân... những biện pháp này sẽ làm cho nạn nhân tử vong nhanh hơn. Ngoài ra đối với trường hợp nạn nhân bị bỏng nặng, da bị phồng rộp, trong quá trình sơ cứu phải đảm bảo không để vỡ các phần da bị phồng nhằm tránh tình trạng nạn nhân bị nhiễm trùng nghiêm trọng hơn...”.
Mỹ Lý