Bảo hiểm xã hội Đồng Tháp có nhiều giải pháp tốt trong công tác truyền thông

Cập nhật ngày: 22/08/2022 05:57:33

Theo chương trình công tác của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đoàn giám sát do ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BHXH tỉnh Đồng Tháp về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2016-2021.


Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp

Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, cùng đại diện một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và các sở, ngành, địa phương.

Báo cáo với Đoàn giám sát, bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh Đồng Tháp có 117.150 người tham gia BHXH, tăng 29.325 người so với thời điểm năm 2016 (tăng 33,39%). Trong đó, BHXH bắt buộc tăng 10.176 người, tăng 11,84%; BHXH tự nguyện tăng 19.149 người, tăng 995,78%. Lực lượng lao động (LĐ) tham gia BHXH tại Đồng Tháp hằng năm cũng tăng dần, bình quân năm sau cao hơn năm trước 4.773 người (tương ứng tăng từ 1,6 -1,8%); số người tham gia BHXH tính đến hết năm 2021 đạt 37,13% lực lượng LĐ, vượt 2,13% mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng người tham gia BHXH, BHYT mới được ngành BHXH rất quan tâm đẩy mạnh. Tại Đồng Tháp, hoạt động này đã phát huy hiệu ứng tốt, ngoài các đợt ra quân theo yêu cầu của BHXH Việt Nam, Đồng Tháp còn căn cứ tình hình thực tiễn để triển khai các cuộc tuyên truyền, vận động theo nhóm nhỏ, theo đối tượng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, BHXH tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức được 191 hội nghị truyền thông với 8.025 người dự, 355 cuộc tuyên truyền theo nhóm nhỏ cho 9.867 người, 49 cuộc ra quân. Trong đó, phối hợp với hệ thống Đại lý thu Bưu điện tổ chức hội nghị khách hàng 147 cuộc, 5.878 người tham dự và phát triển tăng mới 1.716 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Các cuộc truyền thông nhóm nhỏ theo mô hình “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền chính sách đến 9.867 người thuộc đối tượng LĐ tự do trên địa bàn toàn tỉnh...

Điểm nhấn là thời gian qua, BHXH tỉnh đã tổ chức được nhiều mô hình hay như: phụ nữ tiết kiệm mua BHXH tự nguyện; mô hình tuyên truyền theo nhóm nhỏ “Đi từng ngõ, gõ từng nhà; phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức gameshow Rung chuông vàng... đã đem đến nhiều hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo người dân tham gia. Có thể nói, việc số người tham gia BHXH tự nguyện hằng năm tăng lên đáng kể, đã làm tăng cơ hội được hưởng lương hưu cho người lao động (NLĐ), góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tại Đồng Tháp, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng thể hiện tính hiệu quả rõ rệt khi nhiều người dân, NLĐ và doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với nhiều sự hỗ trợ đã được triển khai kịp thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, cơ quan BHXH đã hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 7 đơn vị, DN với tổng số 2.135 LĐ, với số tiền tạm dừng đóng 16,78 tỷ đồng; giảm mức đóng vào quỹ tai nạn LĐ bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống còn 0% cho 1.285 đơn vị, DN với tổng số 55.240 LĐ, tương ứng với tổng số tiền 16,04 tỷ đồng; xác nhận tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương cho 346 đơn vị, DN với 13.813 LĐ; xác nhận LĐ ngừng việc cho 55 đơn vị, DN với 9.154 LĐ. Đối với triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, BHXH tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống còn 0% cho 1.285 đơn vị, DN với 55.240 LĐ, tương ứng với số tiền 25,52 tỷ đồng; chi hỗ trợ từ quỹ BHTN cho 79.988 NLĐ, với tổng số tiền là 187,74 tỷ đồng.

Đánh giá cao công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại ở Đồng Tháp, đồng thời trao đổi thêm về các bất cập cần xử lý để có hướng tháo gỡ cho địa phương trong thời gian tới.

Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, để bảo vệ quyền lợi NLĐ tốt nhất, tỉnh cần xác định rõ thêm 4.300 DN trên địa bàn có bao nhiêu DN có tham gia BHXH cho NLĐ; việc tăng số lượng người tham gia BHXH còn dư địa không; số DN ngưng đóng BHXH trên 5 năm tác động đến bao nhiêu NLĐ. Các đại biểu cũng dành thời gian để thảo luận về các vấn đề thắc mắc của người dân liên quan đến tình hình nhận BHXH một lần, NLĐ quay lại thị trường LĐ và tham gia BHXH tiếp ở Đồng Tháp...

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu ghi nhận những kết quả đạt được của BHXH Đồng Tháp, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức mà tỉnh phải đối mặt liên quan việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn. Cụ thể, BHXH tỉnh và UBND tỉnh cần làm rõ về các kế hoạch đã triển khai trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn. Địa phương đã có kế hoạch, chương trình nào, có bao nhiêu cuộc truyền thông đã được triển khai theo yêu cầu của BHXH Việt Nam; có bao nhiêu cuộc truyền thông theo nhóm nhỏ trực tiếp, trên mạng xã hội... Để từ đó, đánh giá tính hiệu quả của các giải pháp đã thực hiện tại địa phương.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng trao đổi, phân tích cùng các vị đại biểu Quốc hội về những khó khăn, thách thức của ngành BHXH Việt Nam nói chung và BHXH tỉnh Đồng Tháp nói riêng trong việc phát triển đối tượng, giảm số nợ BHXH, rút BHXH một lần... Qua đó, đề nghị Ủy ban Xã hội kiến nghị Quốc hội có cơ chế, chính sách phù hợp, giúp ngành BHXH Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Thay mặt Đoàn giám sát, ông Đặng Thuần Phong đánh giá cao nỗ lực của BHXH Đồng Tháp trong việc thực hiện chính sách trên địa bàn trong thời gian qua. Đặc biệt, là công tác truyền thông đã áp dụng đa dạng hóa hình thức, các mô hình tổ chức, việc ứng dụng công nghệ thông tin... Từ đó, mang lại những kết quả tốt trong đảm bảo an sinh xã hội. “BHXH Đồng Tháp thông qua cơ quan Thuế, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Hiệp hội DN... để có thể đánh giá, xác định số LĐ, số DN thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc để làm cơ sở khai thác, phát triển đối tượng, kết hợp dữ liệu từ nhiều kênh thông tin. Từ đó, có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp thực hiện phát triển người tham gia BHXH bắt buộc. Đây là những giải pháp tốt của BHXH Đồng Tháp, cần phát huy. Tất cả những kiến nghị, đề xuất liên quan sẽ được Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp làm căn cứ để Ủy ban Xã hội báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới”- ông Đặng Thuần Phong nói.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn