Bảo hiểm xã hội Đồng Tháp nỗ lực thực hiện giao dịch điện tử

Cập nhật ngày: 28/03/2016 13:26:19

Thực hiện chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về cải cách hành chính trong lĩnh vực BHXH; để giảm thủ tục, thời gian cho đơn vị sử dụng lao động và cá nhân có quan hệ giao dịch với cơ quan BHXH, BHXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 71/UBND-VX, ngày 25/3/2015 về việc triển khai thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, sau 1 năm tích cực triển khai, các cơ quan, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh vẫn chưa “mặn mà” với hình thức nộp hồ sơ mới này.

Giao dịch điện tử: Lợi cả đôi bên

Để làm tốt công tác tiếp nhận hồ sơ điện tử, BHXH tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ giao dịch hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN qua mạng Internet đến từng cán bộ quản lý thu, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của BHXH tỉnh, BHXH huyện và của các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh; tiến hành cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm kê khai thủ tục iBHXH cho đơn vị để thực hiện kết nối với phần mềm iQLBH tại BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị, thành phố.

Giao dịch điện tử đã giúp cán bộ nghiệp vụ giải quyết công việc nhanh hơn và giảm thiểu phiền hà cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) cùng với việc bảo đảm được tính thống nhất, chính xác, tránh tình trạng tẩy xóa hồ sơ, vì vậy rút ngắn được thời gian nhập dữ liệu và tích hợp dữ liệu vào phần mềm SMS.

Về phía đơn vị SDLĐ, khi thực hiện kê khai hồ sơ qua phần mềm iBHXH bước đầu có tác dụng rõ ràng là giảm số lần và thời gian giao dịch của đơn vị với BHXH. Bên cạnh đó, công tác quản lý hồ sơ cũng trở nên đơn giản vì tất cả hồ sơ đã kết xuất và nộp cho cơ quan BHXH đều được lưu trữ, dễ dàng đối chiếu, dễ dàng khai thác, giúp cơ quan BHXH giải quyết nhanh, tiến tới rút ngắn thời gian trả kết quả.

Chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đồng thời phối hợp với Công ty TS24 (đơn vị cung cấp phần mềm) tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách CNTT. Đến nay, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ giao dịch iBHXH được ngành đầu tư đồng bộ và đi vào hoạt động ổn định, hệ thống máy chủ, đường truyền, thiết bị kết nối, phần mềm giao dịch từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố và các đơn vị sử dụng lao động.

BHXH tỉnh đã thành lập 13 tổ công tác hỗ trợ đơn vị (văn phòng tỉnh 1 tổ và 12 tổ tại huyện, thị, thành phố) với những thành viên là viên chức nghiệp vụ thu và CNTT, đến hỗ trợ cho các DN áp dụng phần mềm iBHXH, đặc biệt tập trung hỗ trợ các DN có số lao động lớn, DN khó khăn về nhân lực, cơ sở hạ tầng.

Đến tháng 10/2015 đã tập huấn cho 1.511/2.343 đơn vị trên địa bàn tỉnh quản lý. Các công chức, viên chức nghiệp vụ cũng đã áp dụng phần mềm tiếp nhận hồ sơ điện tử iQLBH khi DN giao dịch qua mạng. Tính đến ngày 31/12/2015, có 176 đơn vị (chủ yếu là các DN có số lao động lớn) thực hiện giao dịch điện tử qua phần mềm iBHXH, chiếm 7,51%, chưa đạt tiêu chí phấn đấu đã đề ra đến hết năm 2015 là 70% các cơ quan, đơn vị, DN thực hiện thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN bằng hình thức giao dịch điện tử theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Tâm lý “ngại” thay đổi

Theo đánh giá của BHXH tỉnh, nguyên nhân số đơn vị thực hiện giao dịch qua phần mềm iBHXH thấp do bước đầu các đơn vị SDLĐ chưa quen với hình thức giao dịch qua mạng nên còn nhiều lúng túng. Nhiều đơn vị có tâm lý ngại thay đổi, nhất là đối với các đơn vị SDLĐ vừa và nhỏ, dưới 10 lao động, ít có biến động. Trong khi giao dịch điện tử đòi hỏi đơn vị phải đầu tư trang thiết bị, phần mềm. Mặt khác, trình độ nghiệp vụ về BHXH, CNTT của cán bộ làm công tác BHXH ở hầu hết các đơn vị, DN thường xuyên thay đổi nên sử dụng phần mềm kê khai còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả triển khai giao dịch điện tử.

Phần lớn các đơn vị SDLĐ vẫn còn quen với việc đối chiếu và nộp hồ sơ trực tiếp. Trong khi đó, việc giao dịch hồ sơ điện tử hiện nay vẫn chưa hoàn toàn thay thế cho việc nộp hồ sơ trực tiếp, sau khi đơn vị gửi hồ sơ điện tử cho BHXH và được chấp nhận thì vẫn phải lập hồ sơ giấy và nộp cho cơ quan BHXH nên một số đơn vị vẫn chưa thấy rõ được lợi ích của việc ứng dụng phần mềm giao dịch iBHXH.

Các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn huyện, thị, thành phố được bố trí tập trung, có trụ sở gần với cơ quan BHXH nên các đơn vị này vẫn còn lựa chọn cách giao dịch trực tiếp như trước đây.

Khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện giao dịch BHXH điện tử

Xác định nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ chính trị của ngành; nhằm cụ thể hóa kế hoạch CCHC của BHXH Việt Nam và của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm 2016, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch CCHC năm 2016; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia 2 năm 2015-2016, kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020, trọng tâm hiện nay là thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định 919/QĐ-BHXH, ngày 26/8/2015 và Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của BHXH Việt Nam (thủ tục hành chính của ngành được rút ngắn từ 115 thủ tục còn 33 thủ tục, góp phần phục vụ tốt cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN); tiếp nhận và trả hồ sơ qua hệ thống Bưu điện giảm thời gian giải quyết và thời gian đi lại của đơn vị, người lao động và người dân. Đồng thời, từ ngày 15/1/2016, BHXH tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành hướng dẫn BHXH huyện, thị, thành phố triển khai hệ thống phần mềm giao dịch BHXH điện tử phiên bản 2.0 thay thế phần mềm 1.0; tập trung khai báo các qui trình thủ tục, người sử dụng và phân quyền trên phần mềm, kiên trì thực hiện, khuyến khích các cơ quan, DN giao dịch hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN qua mạng internet.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn