Bảo hiểm xã hội Đồng Tháp nỗ lực vì mục tiêu an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau
Cập nhật ngày: 22/01/2024 16:50:47
ĐTO - Năm 2023, với nhiệm vụ được BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh, BHXH Đồng Tháp có nhiều nỗ lực tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT và đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, hướng tới sự phục vụ người tham gia, được người dân, doanh nghiệp (DN) tin tưởng, hài lòng. Chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp về những kết quả đạt được trong năm qua và giải pháp phát triển người tham gia trong năm 2024.
Bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp
Phóng viên: Xin bà cho biết năm 2023, BHXH tỉnh đã duy trì thực hiện được những chỉ tiêu trọng yếu nào để đảm bảo an sinh cho người tham gia BHXH, BHYT?
Bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh: Trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống của người dân, người lao động (NLĐ), cùng với đó là những thay đổi về cơ chế, chính sách (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 và Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tăng mức đóng BHXH tự nguyện từ 1/1/2022) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của ngành BHXH Việt Nam, trong đó có công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, BHXH tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, chủ động bám sát các Nghị quyết của BHXH Việt Nam, Hội đồng nhân dân, Chương trình hành động của UBND tỉnh, tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT kịp thời cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ; phối hợp với các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp thích ứng với tình hình mới và vận động, phát triển tăng thêm số người tham gia so với năm 2022, cụ thể:
Toàn tỉnh hiện có 133.056 người tham gia BHXH, tăng 7.654 người so với cuối năm 2022, đạt 101,21% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao; có 96.732 người tham gia BHTN, tăng 2.038 người so với cuối năm 2022, đạt 100,68% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao; có 1.494.000 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,37% dân số (tăng 20.311 người so với cuối năm 2022), đạt 101,08% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 100,21% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.
Qua công tác truyền thông, đến nay, nhận thức của người dân về chính sách BHYT đã được nâng cao. Hầu hết người dân đều mong muốn được tham gia BHXH, BHYT để đảm bảo an sinh cho bản thân và gia đình.
Phóng viên: Những kết quả cụ thể trong giải quyết chi trả chế độ BHXH, BHYT cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong năm qua?
Bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh: Bên cạnh sự đồng lòng, quyết tâm vượt khó để đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, BHXH Đồng Tháp luôn quan tâm, chú trọng giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định tới từng người tham gia, thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp với ngành y tế giải quyết dứt điểm các vướng mắc, nhất là trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở KCB... đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia theo Luật định.
Tổng số tiền chi chế độ BHXH, BHTN, BHYT là 3.712,58 tỷ đồng. trong đó, chi BHXH là 2.281,3 tỷ đồng, với 83.381 lượt người; chi Quỹ BHTN 225,93 tỷ đồng, với 67.689 lượt người. Tổng chi phí KCB BHYT phát sinh đề nghị thanh toán 3.750.320 lượt người với số tiền 1.198,79 tỷ đồng; ước tổng chi phí sau giám định 1.168,78 tỷ đồng, chiếm 106,27% dự toán do Chính phủ giao.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam về đẩy mạnh thực hiện chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, BHXH tỉnh thực hiện chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua ATM tại khu vực đô thị cho 7.531/10.272 người, chiếm 73,32%; chi BHXH một lần qua ATM, chiếm 91,5%; chi trợ cấp thất nghiệp qua ATM chiếm 97,07%.
Phóng viên: Được biết, công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc số hóa dữ liệu, giúp người tham gia chủ động quản lý thông tin, trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo quyền lợi an sinh cho chính mình, đó là những lĩnh vực nào, thưa bà?
Bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh: Cùng với cả hệ thống chính trị, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, mang lại những thay đổi đột phá, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số theo đúng định hướng về Chính phủ số của Đảng và Nhà nước ta. Hiện ngành đang quản lý hơn 91,74 triệu người tham gia, trong đó đã xác thực và đồng bộ với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, đạt 94%.
Để triển khai có hiệu quả việc liên thông dữ liệu, theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã có Văn bản số 206/BHXH-CNTT ngày 3/3/2023 về việc triển khai liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, Giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ Đề án 06 gửi Sở Y tế, các cơ sở KCB để triển khai thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 14 cơ sở KCB liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe cho 21.782 người; 11 cơ sở liên thông cấp Giấy báo tử cho 86 người; 17 cơ sở liên thông cấp Giấy chứng sinh cho 9.368 người. Mặt khác, ngành đã phối hợp triển khai sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) phục vụ người dân đi KCB BHYT.
BHXH tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành thực hiện việc tiếp nhận, liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh từ Bộ Tư pháp để thực hiện 2 nhóm thủ tục liên thông: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cục Thuế; chia sẻ, khai thác nhóm thông tin về BHXH, BHTN theo quy định.
BHXH tỉnh tích cực phối hợp với Công an tỉnh tiếp tục thực hiện thu thập định danh cá nhân/CCCD cập nhật vào phần mềm quản lý và đồng bộ dữ liệu người tham gia với CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp, số lượng định danh cá nhân/CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực là 1.352.133/1.385.628 người, đạt 97,58%; có 1.296.139 lượt sử dụng CCCD để KCB BHYT thành công.
Bệnh nhân đến kiểm tra mắt tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (Ảnh: Kim Ngân)
Phóng viên: Bước sang năm 2024, bà có những đề xuất gì trong triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra?
Bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh: Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023, BHXH tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nghị quyết và chương trình hành động năm 2024 về chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trong đó cần ưu tiên đến việc giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT cho từng huyện, thành phố; gắn trách nhiệm phát triển người tham gia BHXH, BHYT theo từng địa bàn với chính quyền địa phương cùng cấp và gắn trách nhiệm phát triển người tham gia BHXH, BHYT theo các nhóm với các sở, ngành quản lý đối tượng có liên quan.
Chúng tôi phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn, đối thoại với đơn vị chưa tham gia và chưa tham gia đầy đủ BHXH, BHYT bắt buộc cho NLĐ để phổ biến các quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia, đóng BHXH, BHYT cho NLĐ; các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm khi đơn vị không đóng, chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ; các lợi ích của đơn vị và NLĐ khi tham gia BHXH, BHYT.
Ngành phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT tổ chức hội nghị khách hàng để tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia; đổi mới hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHYT; chú trọng, phát huy vai trò của các hội, đoàn thể, tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia BHYT.
Rà soát phân loại đối tượng chưa tham gia theo các nhóm “có tiềm năng” như hội quán nông dân, hội làng nghề, nghiệp đoàn xe “ba gác”, mô hình khởi nghiệp của thanh niên, Hội Doanh nhân, nhóm tiểu thương và các trung tâm thương mại của tỉnh, huyện... Qua đó, phối hợp với Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT tổ chức các cuộc hội nghị tuyên truyền theo nhóm đối tượng như đã phân loại trên.
Tăng cường tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn; tìm kiếm, tranh thủ sự ủng hộ của mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tài trợ mua thẻ BHYT hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình; chia thành các nhóm nhỏ theo mô hình “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động tại điểm chợ và trực tiếp tại nhà dân.
Tham mưu, triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo về việc tổ chức thực hiện chính sách về BHXH, BHYT, BHTN cho người dân trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; mở rộng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt chỉ tiêu đề ra của năm 2024.
Cùng với quyết tâm chính trị của toàn ngành trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân, NLĐ, DN đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
V.H (thực hiện)