Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc - thiện nguyện vì cộng đồng xã hội
Cập nhật ngày: 09/02/2023 13:34:27
ĐTO - Được thành lập từ năm 1992, Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sa Đéc đã trở thành mô hình từ thiện nhân đạo xã hội, là nơi tập hợp, lan tỏa những tấm lòng nhân ái, có chí nguyện phục vụ, giúp đỡ bệnh nhân và người chăm nuôi bệnh. Đến nay, sau hơn 30 năm thành lập, Bếp ăn tình thương (BATT) này vẫn không ngày nào tắt lửa...
Tổ tán trợ huyện Lấp Vò chuẩn bị thức ăn phục vụ bệnh nhân
30 NĂM KHÔNG NGÀY NÀO TẮT LỬA!
Ông Nguyễn Văn Mốt - Trưởng Ban điều hành (BĐH) BATT cho biết, trước đây nhiều lần đến bệnh viện, ông thấy đa số người chăm nuôi người bệnh không có tiền mua cơm, phải mang theo nồi, củi, kê gạch làm lò nấu thức ăn để tiết kiệm số tiền bạc ít ỏi nuôi người bệnh. Thấu cảm nỗi khó khăn trên nên ông đề xuất Ban giám đốc BVĐK Sa Đéc, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho thành lập BATT. Lúc đó, không ít người e dè vì lo thành lập xong, phục vụ được vài bữa ăn, suất cháo... rồi bếp ăn tắt lửa nửa chừng thì mất uy tín với bà con. Nhưng ông Mốt quả quyết và tin rằng “Việc gì mình làm mà phục vụ cho dân trên tinh thần trong sáng, minh bạch thì sẽ tồn tại”. Cuối cùng, ý tưởng thành lập BATT của ông Mốt được ủng hộ và đi vào hoạt động từ ngày 24/7/1992.
Những ngày đầu mới thành lập, ông Nguyễn Văn Mốt - khi đó là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đứng ra làm thư ngỏ, đi gõ cửa các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong, ngoài tỉnh, vận động bà con góp gạo, góp công. Điều đáng tự hào của những thành viên BATT là bếp ăn chưa từng “tắt lửa” ngày nào, dù là ngày lễ hay Tết. Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, BVĐK Sa Đéc trên 8 tháng bị phong tỏa để tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, BĐH BATT vẫn phân công tình nguyện viên ở lại chăm lo cơm, cháo, nước đảm bảo phục vụ cho các y, bác sĩ và bệnh nhân kịp thời. Hiện tại, bếp ăn có 38 nhóm tán trợ, hơn 600 lao động tình nguyện phục vụ mỗi ngày từ 1.000 - 1.200 suất cơm, 400 - 500 suất cháo và 2.000 lít nước sôi, nước lọc.
Ban điều hành bếp ăn thường xuyên trao đổi công việc với các Tổ tán trợ về thực đơn cung cấp hàng ngày cho bệnh nhân
Ngoài hỗ trợ cơm, cháo, nước, BĐH BATT còn giúp một phần viện phí, chi phí chạy thận và chuyển viện... cho các trường hợp bệnh nhân nghèo. Khi bệnh nhân nghèo không may qua đời, BATT hỗ trợ tiền xe đưa về nhà và còn hỗ trợ xây nhà cho các hộ nghèo trong, ngoài địa phương...
“Kinh phí hoạt động của BATT hoàn toàn do mạnh thường quân trong và ngoài nước đóng góp. Mấy chục năm qua, bếp ăn đã trở thành địa chỉ nhân đạo quen thuộc, người góp tiền, người góp gạo, rau, củ... giúp bếp ăn duy trì đến hôm nay. Hoạt động của BATT 30 năm qua đã đem lại lợi ích cho xã hội, tổng giá trị phục vụ là 80 tỷ đồng, hỗ trợ miễn phí cho hàng triệu lượt bệnh nhân và người theo chăm nuôi”, ông Mốt cho biết. Để duy trì hiệu quả của BATT như hôm nay, ông Nguyễn Văn Mốt đúc kết: “Bất cứ tổ chức nào phục vụ dân, có sức dân sẽ tồn tại và phát triển với điều kiện quản lý dân chủ, trong sạch, không vụ lợi, tham ô”.
Theo ông Huỳnh Văn Bé - Phó Trưởng BĐH BATT: “BATT hoạt động vì mục đích phục vụ người nghèo, với tinh thần nhân ái, sự nhiệt tình của từng thành viên, cộng với sự hỗ trợ tài lực, vật lực của các nhà hảo tâm. Bếp ăn có BĐH gồm trưởng, phó ban, thư ký, kế toán, thủ quỹ và một số ủy viên phụ trách bộ phận kho, bếp trưởng, tổ hậu cần cùng 38 nhóm tán trợ, do các nhà hảo tâm thiện nguyện ở các xã, phường tham gia luân phiên trực mỗi nhóm một tuần. Tất cả đều hoạt động theo sự điều hành chung của BĐH trên tinh thần phục vụ, công khai, minh bạch. Các thành viên luôn nhớ khẩu hiệu: “Đoàn kết, chung sức, chung lòng, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ”. Qua đó, góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội của địa phương”.
Bà Võ Thị Kim Phượng (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) nuôi chồng bệnh thận đang điều trị tại BVĐK Sa Đéc chia sẻ: “Chồng tôi bị bệnh thận gần 2 năm qua, do chưa đăng ký chạy thận định kỳ được, nên tháng nào cũng phải nhập viện 1 - 2 tuần. Cũng nhờ có bếp ăn này mà chúng tôi giảm được chi phí ăn, uống, tiết kiệm được ít tiền để mua thuốc, trả viện phí cho người thân nằm viện”.
Những thành viên Bếp ăn tình thương Bệnh viện đa khoa Sa Đéc cùng chung sức, chung lòng phục vụ người nghèo
CHUNG TAY GIỮ LỬA ĐỂ BẾP ĂN PHÁT TRIỂN
Cuối tháng 4/2014, ông Mốt cùng các thành viên trong BATT khánh thành cơ sở mới, sau gần 22 năm che chắn tạm bợ và 3 lần dời chỗ, lần này, BATT được BVĐK Sa Đéc cấp cho mảnh đất rộng 185m2 nằm gần khu khám bệnh. Ông Mốt và BĐH trích quỹ, vận động được gần 1 tỷ đồng, xây dựng cơ sở mới khang trang 1 trệt 1 lầu và trang bị hệ thống lò điện, máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời, góp phần phục vụ các suất cơm, cháo, nước cho bệnh nhân nghèo, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đáng ghi nhận là sự đồng hành của các mạnh thường quân trong và ngoài địa phương cùng kiều bào ở nước ngoài để BATT “đỏ lửa” phục vụ bệnh nhân hơn 30 năm qua. Gắn bó với BATT hàng chục năm qua, ông Võ Văn Bánh (65 tuổi, ở xã Tân thành, huyện Lai Vung) chia sẻ: “Tôi làm việc này vì sự đồng cảm, chia sẻ với những bệnh nhân nghèo. Tôi thương những bà con còn khó khăn trong cuộc sống, đóng góp sức mình giúp được họ vượt qua khó khăn, mình cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc”.
Hiện nay, ông Bánh là Ủy viên thường trực BATT, điều hành hoạt động bếp ăn hàng ngày, đoán định số lượng, hướng dẫn kinh nghiệm bếp núc, phát cơm, cháo, nước. “BĐH giữ vững lệ kỳ họp giao ban hàng tuần để công khai việc thu, chi trong tuần rõ ràng, minh bạch theo phương châm “Đoàn kết, nhiệt tình - bất vụ lợi - phục vụ tận tụy bệnh nhân”. Đây cũng chính là động lực để tôi tiếp tục phục vụ bệnh nhân và sẽ gắn bó với công việc từ thiện này đến khi nào không còn đủ sức khỏe thì mới thôi”, ông Bánh chia sẻ.
Còn đó rất nhiều người vẫn luôn đồng hành, hỗ trợ để BATT được “đỏ lửa” mỗi ngày, như các ông Phạm Đông Giang, Huỳnh Văn Bé là 2 Phó BĐH phụ trách nội bộ theo dõi quản lý tốt việc thu chi, lương thực, thực phẩm, lập sổ thu, xuất rõ ràng hay như anh “đầu bếp” Nguyễn Văn Lạ ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò và rất nhiều những người khác, các tán trợ viên phục vụ BATT... Nhiều bệnh nhân chia sẻ họ rất cảm động với những tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với người nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn của những người ở BATT.
Sự đồng hành từ các nhà hảo tâm đã giúp bếp ăn hoạt động ngày càng hiệu quả
Bác sĩ Trần Thanh Tùng - Giám đốc BVĐK Sa Đéc cho biết: “BATT BVĐK Sa Đéc đã và đang là nơi không những chia sẻ về những suất ăn, những khó khăn của bệnh nhân nghèo đang chữa bệnh tại bệnh viện, mà còn hỗ trợ thiết thực cho bệnh viện tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động chống dịch tại bệnh viện trong thời điểm dịch Covid-19. Lãnh đạo Bệnh viện rất cám ơn BĐH BATT, đặc biệt là các anh, chị trong bếp ăn rất tận tâm, nhiệt tình phục vụ bà con và cảm ơn các nhà hảo tâm đã tài trợ, giúp đỡ cho BATT”.
Những đóng góp nhiệt huyết của các thành viên BATT đã được các ngành, các cấp trong tỉnh và Trung ương ghi nhận với 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam, 3 Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh và Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. BATT BVĐK Sa Đéc đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III năm 2017. Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Chương trình Tình nguyện Liên hiệp quốc tại Việt Nam trao giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2018.
SÔNG NGÂN