Các doanh nghiệp, nghiệp đoàn cần tuyển dụng số lượng lớn người lao động

Cập nhật ngày: 11/11/2021 06:01:21

ĐTO - Trong thời điểm cuối năm 2021, các doanh nghiệp, nghiệp đoàn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động (LĐ) gồm LĐ có chuyên môn và LĐ phổ thông làm việc trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để kết nối, tạo việc làm cho người LĐ.


Doanh nghiệp trong tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng từ 700 - 1.000 lao động trong lĩnh vực may mặc

Căn cứ vào nhu cầu đăng ký tuyển dụng LĐ của doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc thống kê các nhu cầu tuyển dụng LĐ của doanh nghiệp, điều kiện tuyển dụng và các chế độ, chính sách liên quan. Đến tháng 11/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đồng Tháp kết nối với hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 45.000 LĐ gồm LĐ có chuyên môn và hơn 43.000 LĐ phổ thông. Trong đó có 117 doanh nghiệp trong tỉnh, có nhu cầu tuyển dụng hơn 19.000 người (gồm 1.110 LĐ chuyên môn, hơn 17.000 LĐ).

Đáp ứng nhu cầu sản xuất và gia công, các doanh nghiệp tại các huyện, thành phố trong tỉnh đều có nhu cầu tuyển dụng. Tại TP Cao Lãnh, các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng LĐ trong năm 2021 và năm 2022 gồm giày da, may mặc, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ chuyển phát nhanh, bảo hiểm, chế biến thủy sản... Tại huyện Tam Nông, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng LĐ tại các lĩnh vực may, bê tông, gạch men... Các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng LĐ đối với ngành hàng may mặc, điện tử, gia công giày da… Ngoài các doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại các địa phương cũng có nhu cầu tuyển dụng LĐ phổ thông làm việc tại các lĩnh vực sửa chữa ô tô, điện công nghiệp, điện - điện tử...

Sở LĐ-TB&XH, các đơn vị trực thuộc đã thông tin về nhu cầu tuyển dụng trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng tham gia phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm DVVL Đồng Tháp và các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố. Đến nay đã tổ chức được 8 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm DVVL (3 phiên); tại các huyện Cao Lãnh, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự, Lấp Vò (5 phiên). Với dự tham gia tư vấn, tuyển dụng LĐ của 87 doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Người LĐ sau khi tham gia tư vấn đã điền thông tin, hồ sơ được trung tâm giới thiệu việc làm với tổng số 4.224 LĐ làm việc trong tỉnh, 3.930 LĐ làm việc ngoài tỉnh.

Các công ty trong, ngoài tỉnh khi tuyển dụng LĐ tại Đồng Tháp qua nguồn kết nối của Trung tâm DVVL luôn cam kết với người LĐ về các quyền lợi như hỗ trợ tiền trọ, thưởng theo năng suất, cam kết nguồn hàng ổn định đảm bảo việc làm. Tại TP Cao Lãnh, cùng với những công ty khác, Công ty CP Sao Mai hiện có nhu cầu cần từ 300 – 700 người LĐ thuộc lĩnh vực may, thủ công mỹ nghệ... Chị Nguyễn Thị Diệp ngụ ấp An Lạc, xã An Bình, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Tôi đăng ký vào làm công nhân tại Công ty CP Sao Mai. Mỗi tháng thu nhập từ 5 triệu - 7 triệu đồng, đủ trang trải các chi phí trong gia đình, công ty luôn có nguồn hàng ổn định, việc làm thường xuyên...”.

Theo kế hoạch, số phiên giao dịch việc làm được tổ chức trong thời điểm cuối năm là 20 phiên; trong đó 7 phiên tổ chức tại Trung tâm DVVL, 11 phiên tổ chức tại các huyện, thành phố và 2 phiên dự kiến tổ chức tại Khu công nghiệp Sa Đéc (đang xin chủ trương UBND tỉnh). Đối với doanh nghiệp ngoài tỉnh, hiện có 105 doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển hơn 26.000 LĐ ( trong đó hơn 1.400 LĐ chuyên môn, hơn 25.000 LĐPT) làm việc tại các ngành giày da, may mặc, xây dựng, cơ khí... Theo Trung tâm DVVL Đồng Tháp, một số doanh nghiệp đã đặt hàng LĐ thuộc các lĩnh vực cơ khí, ngay khi học viên tốt nghiệp đã trực tiếp đến rước người LĐ với mức thu nhập mỗi tháng từ 7 triệu – 15 triệu đồng. Trung tâm DVVL cũng đã kết nối với các doanh nghiệp tuyển dụng tổ chức phỏng vấn trực tuyến đối với người LĐ có nhu cầu tìm việc làm trong, ngoài nước. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo trực tuyến các lớp cao đẳng, trung cấp tạo nguồn cho các doanh nghiệp cần LĐ đã qua đào tạo, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người LĐ ngoài tỉnh trở về địa phương, LĐ trong tỉnh đang có nhu cầu tìm việc làm. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cho các cơ sở đào tạo nghề, duy trì hoạt động giáo dục định hướng cho LĐ nhằm nâng cao tay nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành luật pháp của LĐ. Tiếp tục tạo nguồn LĐ có chất lượng cao khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng;...

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn