Cần có sự chung tay phòng, chống văn hóa phẩm độc hại
Cập nhật ngày: 09/10/2015 05:18:21
Trong những năm gần đây, sự phát triển nhiều mặt của văn hóa đã đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân ngày càng tốt hơn. Các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng bảo tồn, phát huy; các giá trị mới được hình thành và phát triển. Hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác với các nước được mở rộng, tiếp thu, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, văn hóa phẩm độc hại đã và đang xâm nhập với tốc độ nhanh, lan rộng, làm tha hóa đạo đức, ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt, học tập của nhiều người, nhất là lớp trẻ.
Ở Đồng Tháp, để mọi người nâng cao ý thức, bản lĩnh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập của văn hóa xấu, Đảng bộ tỉnh đã triển khai, thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư “Về chống sự xâm nhập của các loại sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”. Qua 5 năm (2010 - 2015) thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; kết hợp giáo dục về đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... Qua đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức tốt hơn về nhiệm vụ xây dựng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý và đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư ngày càng được quan tâm, chú trọng, tạo sự chuyển biến toàn diện trong đời sống xã hội, phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống gắn với tiếp thu những giá trị văn hóa hiện đại, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng và nuôi dưỡng những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Toàn tỉnh có 372.948/426.796 gia đình văn hóa, đạt 87,38%; có 643/699 khóm, ấp văn hóa, đạt 91,99%; 87/144 xã, phường, thị trấn văn hóa, đạt 60,42%; 1.472/1.514 cơ quan, đơn vị văn hóa, đạt 97,23%. Đây là nền tảng góp phần chống lại sự xâm nhập của văn hóa độc hại, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được chú trọng. Các ngành, các cấp thực hiện tốt việc kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh; tổ chức 1.313 lượt kiểm tra cơ sở mua bán băng, đĩa, phát hiện 498 lượt cơ sở vi phạm, tịch thu 32.164 băng đĩa các loại, 249 đầu sách có nội dung mê tín dị đoan; xử phạt vi phạm hành chính 12 đại lý internet. Tăng cường quản lý tốt các hoạt động biểu diễn nghệ thuật; việc cấp phép được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục. Các thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp, nhất là các Nhà văn hóa cấp huyện, Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng cấp xã. Thư viện tỉnh được xây dựng với hệ thống trang, thiết bị hiện đại đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả cao. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng ngày càng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
Tuy vậy, việc chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại cũng còn gặp những hạn chế, khó khăn. Công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Hiệu quả công tác tuyên tuyền, giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt là khó khăn trong việc ngăn chặn sản phẩm văn hóa độc hại trên mạng xã hội, mạng Internet; các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, sinh viên, học sinh còn hạn chế...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, đòi hỏi các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại. Phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội. Chung tay tạo môi trường sống đẹp, lành mạnh, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đồng Dao