Cao điểm công tác tư vấn, tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm

Cập nhật ngày: 18/07/2018 15:54:12

ĐTO - Từ tháng 7 – 10/2018 là thời gian cao điểm cho công tác tuyển sinh, đào tạo hệ cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC), sơ cấp. Công tác tuyển sinh hiện được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh tăng cường thực hiện với nhiều giải pháp như: tư vấn, truyền thông, mở các ngành nghề gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, chủ động kết nối với các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo.


Lao động nông thôn nhận sơ chế hạt sen để có thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi

Toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở GDNN gồm các trường CĐ, TC, Trung tâm công lập cấp huyện, một số cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Ngoài các cơ sở GDNN hoạt động nhiều năm, còn có thêm các cơ sở như: Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Thanh Tâm (huyện Tháp Mười), Công ty TNHH MTV Dịch vụ bảo vệ Phi Long (TP.Sa Đéc),...

Thực hiện tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề, các cơ sở GDNN phối hợp cùng với các địa phương chọn đối tượng tư vấn tập trung, phối hợp với chính quyền, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tổ chức, tham gia tư vấn phân luồng học sinh (HS) tại các xã, phường, thị trấn. Tại các buổi hội thảo tư vấn phân luồng, đại diện các cơ sở GDNN tranh thủ phát tờ rơi cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của phụ huynh HS, tư vấn những ưu điểm khi vào học CĐ, TC, sơ cấp.

Năm 2018, UBND tỉnh, Sở LĐ – TB&XH tiếp tục có những đổi mới trong công tác chỉ đạo thực hiện các hoạt động liên quan đến GDNN chú trọng hình thức tư vấn truyền thông, hiệu quả đào tạo, công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Các địa phương gắn kết với các doanh nghiệp, công ty hoạt động trên địa bàn để đào tạo, cung cấp nguồn lao động trong lĩnh vực chế biến và bảo quản thủy sản với số lượng lao động hơn 5.000 người.

Huyện Cao Lãnh là một trong những địa phương có nhiều cách làm hiệu quả trong công tác tư vấn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Cấp ủy, UBND huyện, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm, các công ty đủ pháp nhân, uy tín trong tuyển dụng lao động tư vấn theo cụm xã, tư vấn trực tiếp tại hội trường, trên hệ thống phát thanh chuyển tải, giải đáp những thông tin liên quan đến học nghề, việc làm cho người lao động, HS, phụ huynh HS có nhu cầu.

Ngoài ra, Phòng LĐ – TB&XH huyện chủ động phối hợp với các công ty đang hoạt động trên địa bàn đào tạo nghề, tuyển dụng lao động. Các ngành nghề được mở cho người lao động trong năm 2018 gồm: hàn tiện, kỹ thuật chăm sóc móng và tóc, may công nghiệp, sửa kiểng bonsai, vận hành sửa chữa máy phun xịt thuốc, chế biến và bảo quản thủy sản, đan ghế nhựa, tạo sản phẩm từ lục bình và bẹ chuối...

Tại TP.Cao Lãnh ngoài các nghề cơ bản, địa phương còn mở thêm lớp nghề theo nhu cầu như: điêu khắc gỗ, trang điểm, làm tóc, công nhân xây dựng, chế biến, bảo quản thủy sản. TP.Sa Đéc mở các lớp nghề: mộc dân dụng, công nhân xây dựng, vệ sỹ. Huyện Lai Vung mở các lớp nghề: nữ công gia chánh, may túi xách tự hoại, chế biến bảo quản thủy sản. Huyện Lấp Vò mở lớp: sơ chế hạt sen, kỹ thuật chăm sóc tóc, móng. TX.Hồng Ngự, huyện Tháp Mười, huyện Thanh Bình mở các nghề đàn cổ nhạc, sửa chữa máy gặt đập liên hợp, đan thảm lau chân...

Đến cuối tháng 6/2018, các cơ sở GDNN trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo hơn 4.000 học viên các trình độ CĐ, TC, sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Hiện nay, một số cơ sở GDNN đã khai giảng một số lớp CĐ, TC dành cho đối tượng HS hoặc cựu HS có nhu cầu học TC, CĐ không đăng ký xét tuyển đại học. Các lớp CĐ, TC, sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng sẽ được mở theo hướng phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị dạy nghề và doanh nghiệp, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, vận dụng chương trình đào tạo kép (HS, sinh viên được đào tạo lý thuyết tại trường, tham gia thực hành tại doanh nghiệp) nhằm nâng cao hiệu quả giữa đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Các lớp nghề nông thôn được mở trong năm 2018 căn cứ vào nhu cầu thực tế của người dân địa phương có nhu cầu học nghề, thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đối với các đối tượng hoàn thành chương trình đào tạo CĐ, TC, các địa phương tuyên truyền vận động theo hướng tham gia đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng. Phòng LĐ – TB&XH, chính quyền địa phương chủ động kết nối với doanh nghiệp, công ty hoặc khuyến khích những đối tượng học nghề sơ cấp, dưới 3 tháng tự tạo việc làm tại địa phương với hình thức nhận gia công sản phẩm tại nhà hoặc gia công cho công ty. Với cách làm này hơn 70% người lao động có thể chủ động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm.

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn