Chia sẻ và giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, khó khăn

Cập nhật ngày: 27/06/2022 09:28:49

ĐTO - Từ năm 2017 đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng các cấp Hội tại các huyện, thành phố đã phối hợp với các sở, ngành và các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân triển khai, thực hiện nhiều mô hình hoạt động nhân đạo, từ thiện. Đồng thời chủ động kết nối, vận động các đơn vị, công ty, doanh nghiệp, cá nhân cùng quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ vật chất và tinh thần để người nghèo, cận nghèo, khó khăn vơi bớt những áp lực trong cuộc sống.


Người bán vé số lẻ tại TP Sa Đéc nhận cơm miễn phí tại Bếp ăn khuyến học và bếp ăn dành cho người bán vé số lẻ

Gắn bó, chia sẻ những vất vả với người nghèo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng các cấp Hội tổ chức và duy trì mô hình “Quầy hàng miễn phí”, với sự đồng hành của các mạnh thường quân. Đến nay, mô hình vẫn tiếp tục duy trì với 5 quầy hàng hoạt động hiệu quả tại các huyện Châu Thành, Thanh Bình. Thông qua mô hình “Quầy hàng miễn phí” đã cấp phát miễn phí 199.360 bộ quần áo, giày, dép đến những người nghèo, cận nghèo, khó khăn có nhu cầu sử dụng. Tại các huyện, thành phố, tùy theo nhu cầu thực tế, các địa phương cũng đã thực hiện các mô hình mới như mô hình “Hạt gạo tình thương” tại huyện Tháp Mười, dù mới đưa vào hoạt động đầu năm 2021 nhưng đã trợ giúp tiền, gạo, nhu yếu phẩm cho khoảng 1.048 lượt người có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 190 triệu đồng.

Chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, hiện nay, tại các huyện, thành phố, các cấp Hội Chữ thập đỏ và mạnh thường quân không chỉ quan tâm cất nhà tình thương mà còn duy trì mô hình mua xe chuyển bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 95 xe hoạt động chuyển bệnh miễn phí, giúp người bệnh nghèo trong những lúc nguy cấp được vận chuyển, cấp cứu kịp thời. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các đoàn thầy thuốc tình nguyện trong và ngoài tỉnh thực hiện việc khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và trao quà cho hộ nghèo, gia đình khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, các đoàn thầy thuốc tình nguyện trong, ngoài tỉnh đã khám, cấp thuốc miễn phí cho 85.536 lượt người, trị giá hơn 15 tỷ đồng; khám sàng lọc, phẫu thuật mắt 2.673 ca, trị giá 6 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim với số tiền 125 triệu đồng.

Đảm bảo các chương trình sinh kế, ổn định cuộc sống lâu dài cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã triển khai, thực hiện chương trình “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”. Kết quả đã vận động trao 323 con bò giống cho hộ nghèo chăn nuôi, góp phần cải thiện thu nhập, tích lũy. Các cấp Hội Chữ thập đỏ tại các huyện, thành phố còn triển khai, thực hiện dự án hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi, buôn bán như: trợ vốn không tính lãi, hùn vốn hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ vốn để mua bán... cho 177 hộ vay vốn không tính lãi. Bên cạnh đó, các cấp Hội Chữ thập đỏ còn vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trợ giúp học bổng, tặng quà cho 29.292 lượt học sinh nghèo trị giá hơn 4,6 tỷ đồng; tặng quà, tiền 541.916 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, người già cô đơn có hoàn cảnh khó khăn trị giá hơn 115 tỷ đồng. Đặc biệt, giúp đỡ cất mới 3.964 căn nhà trị giá trên 89 tỷ đồng, bắc mới 366 cây cầu ước tổng trị giá trên 82 tỷ đồng, cấp 101 khung nhà; sửa chữa 337 căn nhà, thực hiện sửa 121 cây cầu và phối hợp sửa chữa trên 500km đường lộ giao thông nông thôn, góp phần cùng với chính quyền địa phương chăm lo cho người dân.

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ các cấp và các mạnh thường quân còn làm tốt công tác hậu cần, giúp đỡ bệnh nhân, trong đó có việc duy trì hoạt động các bếp ăn tình thương tại các bệnh viện. Đến nay, 100% bệnh viện tại các huyện, thành phố trong tỉnh đều có các bếp ăn tình thương. Mỗi ngày, bếp ăn tình thương cung cấp nhiều suất cơm, thức ăn, nước sôi cho bệnh nhân và người thân bệnh nhân, làm giảm bớt chi phí cho người bệnh trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các cấp Hội, công ty, mạnh thường quân còn đồng hành cùng với ngành giáo dục và đào tạo duy trì mô hình các bếp ăn khuyến học tại các đơn vị trường học dành cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Cụ thể như: mô hình “Bếp ăn khuyến học” đặt tại các Trường THPT: Thanh Bình 1, Thanh Bình 2 (huyện Thanh Bình), Tràm Chim, Tam Nông (huyện Tam Nông), Cao Lãnh 2, Thống Linh (huyện Cao Lãnh), Châu Thành 1 (huyện Châu Thành), trung bình các bếp ăn khuyến học phục vụ hơn 500 suất cơm/ngày. Tại TP Sa Đéc, mô hình “Bếp ăn khuyến học” cũng được duy trì nhiều năm liền, trong đó có sự đồng hành hỗ trợ một phần của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp. Mô hình đã giúp đỡ kịp thời cho các đối tượng là học sinh có bữa cơm trưa miễn phí, giảm bớt chi phí, dành thời gian cho việc học, không bỏ học, nghỉ học.

Trong thời gian tới, các cấp Hội Chữ thập đỏ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các phong trào, cuộc vận động nhân đạo, từ thiện như: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng Nhân đạo”... Đồng thời vận động các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân gắn kết, duy trì, nhân rộng các hình thức trợ giúp nhân đạo thường xuyên, tạo việc làm. Tăng cường các hoạt động khảo sát, nắm hoàn cảnh các đối tượng để kết nối, hỗ trợ qua việc xây dựng, sửa chữa nhà, cấp học bổng, cấp phát thuốc... cho các đối tượng yếu thế có hoàn cảnh khó khăn (người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người mù,...). Ngoài ra, tiếp tục củng cố và phát triển các mô hình công tác xã hội như: Quầy hàng miễn phí, Quán cơm 0 đồng; Bếp ăn khuyến học, Bếp ăn từ thiện dành cho các đối tượng người nghèo, học sinh tại các huyện, thành phố trong tỉnh.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn