Chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng
Cập nhật ngày: 21/12/2021 05:40:00
ĐTO - Thời gian qua, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh chỉ đạo ngành y tế, nông nghiệp và công thương triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo phạm vi trách nhiệm của ngành và địa bàn quản lý. Tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm thuộc phạm vi quản lý, nhất là trong các đợt cao điểm như: Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tháng hành động “Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” theo chủ đề hàng năm.
Một cơ sở đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất thực phẩm bảo đảm chất lượng an toàn trên địa bàn TP Cao Lãnh
Các ngành y tế, nông nghiệp, công thương phối hợp tuyên truyền về Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan. Thường xuyên vận động người dân tự giác khám sức khỏe định kỳ; tổ chức tập huấn và cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiểu biết và trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Tích cực phòng, chống có hiệu quả các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền do thực phẩm gây ra, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân; tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh và địa phương thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm để tầm soát nguy cơ và đánh giá chất lượng thực phẩm lưu thông trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong đó, những trường hợp cố tình vi phạm đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Các ngành chức năng phối hợp tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể.
Các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng nâng cao ý thức vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là tập trung đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất thực phẩm bảo đảm chất lượng an toàn. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, một số doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; nhiều hàng hóa thực phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 cơ sở thực hiện ký bản cam kết, hơn 960 cơ sở được thẩm định xếp loại và trên 1.200 cơ sở được thẩm định định kỳ liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, 30 cơ sở giết mổ động vật được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 3.616 tập thể và cá nhân được tập huấn và cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm.
Nhìn chung, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từng bước được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, từ đó đã giảm số vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tình trạng ngộ độc thực phẩm được kiểm soát tốt, tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận hằng năm dưới 5 người/100.000 dân. Từ năm 2011 đến đầu năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 14 vụ ngộ độc thực phẩm với 130 người mắc (2 người tử vong), trong đó không có vụ ngộ độc trên 30 người mắc.
DŨNG CHINH