Chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm từ giai đoạn đổi mới đến nay

Cập nhật ngày: 14/12/2023 05:42:00

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231214054350DT3-2.mp3

 

ĐTO - Gần 40 năm thực hiện đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Thị trường lao động có sự dịch chuyển từ trong tỉnh, trong nước đến mở rộng thị trường đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm.


Đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh (thứ 5 từ phải sang) tặng quà cho thực tập sinh tại Lễ tuyên thệ trước khi sang Nhật Bản làm việc (
Ảnh: T.L)

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TỪ ĐÀO TẠO NGHỀ

Giai đoạn 1986 - 1997, công tác đào tạo nghề đạt thấp, đến năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 23.506 lao động được đào tạo nghề. Từ năm 1998, công tác đào tạo nghề được chú trọng, kết hợp giữa đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động. Hệ thống cơ sở dạy nghề được hình thành và phát triển, năm 1999, tỉnh có 1 trường dạy nghề và 14 cơ sở dạy nghề tư nhân, đến năm 2006, có 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các huyện, thành phố. Giai đoạn 1999 - 2010, toàn tỉnh đã đào tạo 198.978 người, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề 26,6% (năm 2010).

Từ năm 2011 đến nay, chương trình đào tạo nghề tiếp tục được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong xu thế hội nhập sâu rộng; công tác đào tạo nghề có sự chuyển đổi mạnh mẽ với việc phân cấp các hệ đào tạo từ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đến đào tạo nghề thường xuyên. Đặc biệt, từ khi thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020'’ theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, công tác đào tạo nghề của tỉnh đã đổi mới đáng kể, hệ thống cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư hiện đại, kiện toàn phù hợp. Đến nay, toàn tỉnh có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 12 trung tâm dịch vụ nông nghiệp, 4 doanh nghiệp có hoạt động giáo dục nghề nghiệp); Trường Đại học Đồng Tháp có 16 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng; Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đạt chuẩn kiểm định chương trình đào tạo; các trường đã mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của địa phương.

Chương trình, giáo trình thường xuyên được cải tiến, biên soạn phù hợp thực tiễn ngành nghề của thị trường lao động với 158 ngành, nghề (trình độ cao đẳng 31 ngành nghề, trình độ trung cấp 39 ngành nghề, trình độ sơ cấp 22 nghề, đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng) 66 nghề. Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, là trường chất lượng cao nằm nhóm dẫn đầu các Trường Cao đẳng Y tế khu vực Tây Nam Bộ). Mô hình đào tạo được chuyển đổi mạnh mẽ, kết hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, từ năm 2011 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo 257.627 người (hệ cao đẳng 17.247 người, trung cấp 34.198 người và sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên 206.182 người); năm 2023, tỉ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 75,4%, trong đó, lao động được đào tạo nghề ước đạt 54,2%.

Trước đổi mới và giai đoạn đầu đổi mới, tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng; thiếu phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, sách giáo khoa và trang thiết bị học tập. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, qua các giai đoạn, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo. Đến nay, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn quy định, số nhà giáo là đảng viên của ngành chiếm gần 60%; tỉ lệ huy động học sinh các bậc học, cấp học trong độ tuổi đến trường đều tăng; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông duy trì ở mức khá; số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia đảm bảo ổn định.


Học sinh Trường Trung cấp Tháp Mười trong giờ thực hành

ĐẾN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Những năm đầu đổi mới, thị trường lao động của tỉnh và cả nước chủ yếu tập trung vào hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa, công tác giải quyết việc làm chủ yếu thông qua các dự án di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới nên giai đoạn 1986 - 1992, có khoảng 35.000 lao động được giải quyết việc làm. Từ năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị quyết số 120-HĐBT ngày 11/4/1992 về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm; đồng thời, hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm được thành lập cùng với sự hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất trong và ngoài tỉnh thì lao động bắt đầu có sự chuyển dịch, hình thành thị trường lao động. Giai đoạn 1996 - 2010, đã giải quyết việc làm cho 452.373 lượt lao động (trong đó, hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho 2.615 dự án, với tổng số tiền cho vay 276,9 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm 138.078 lao động); có 6.298 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; tỉ lệ thất nghiệp năm 2010 là 4,14%.

Từ năm 2011 đến nay, thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực cùng với xu thế hội nhập và phát triển của nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh. Trung tâm Dịch vụ việc làm được nâng cấp, sàn giao dịch việc làm được tổ chức hàng năm với tần suất tăng dần từ 12 phiên/năm lên 16 - 28 phiên/năm. Phổ biến đầy đủ thông tin về thị trường lao động ngày càng hiện đại hóa, quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động của địa phương. Kết quả năm 2011 đến nay, hỗ trợ giải quyết việc làm gần 466.000 lao động. Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phát huy hiệu quả tích cực, giai đoạn 2011 - 2023, toàn tỉnh ước có 13.698 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, thị trường Nhật Bản 9.935 lao động, Đài Loan 1.946 lao động, Hàn Quốc 959 lao động, Malaysia 233 lao động và nước khác 456 lao động; tỉ lệ thất nghiệp năm 2022 ước đạt 4,94%.

Nhìn chung, thị trường lao động tuy có phát triển nhưng còn mất cân đối về cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực; nhân lực chất lượng cao một số ngành của tỉnh còn thiếu; tính cạnh tranh phát triển giữa các địa phương trong vùng ngày càng cao...


Người lao động đăng ký tìm việc làm tại phiên Giao dịch việc làm

NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp quan tâm thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, bảo đảm điều kiện triển khai chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Phấn đấu đến năm 2030, có 70% trường học ở các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1; 10% đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2; phát triển mạng lưới trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề, chú trọng các ngành khoa học về nông nghiệp, y tế, kỹ thuật, công nghệ và kinh tế số; phát triển một số chương trình đào tạo nghề thế mạnh theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Có chính sách hỗ trợ Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp và các cơ sở dạy nghề phát triển.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ. Đổi mới, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với thị trường sử dụng lao động và xu hướng dịch chuyển lao động. Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho lao động, bảo đảm thích ứng với điều kiện sản xuất mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; đẩy mạnh công tác thông tin, phân tích, dự báo cung - cầu lao động, kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thực hiện chủ trương “Đi làm thuê - Về làm chủ”, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp sau khi đi lao động ở nước ngoài và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phú Trọng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn