Chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Cập nhật ngày: 15/07/2015 12:24:36
Sau 7 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc. BLGĐ đã giảm cả về số lượng và mức độ vi phạm.

Buổi họp giải quyết vụ bạo lực gia đình của Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ấp Bình Hòa, xã Bình Thành
Với phương châm “Phòng hơn chống”, những năm qua, tỉnh đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, nhân dân và các hộ gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ để nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức năng của gia đình và tích cực xây dựng gia đình mình trở thành một “tế bào mạnh khỏe” của xã hội, góp phần vào sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội ở địa phương. Nhờ vậy mà tình hình BLGĐ trên địa bàn tỉnh hàng năm được kiềm chế, kéo giảm đáng kể. Năm 2014, toàn tỉnh có 489/426.796 hộ gia đình có bạo lực, chiếm 0,11%, giảm 0,4% so với năm 2009 (1.473/419.171 hộ, chiếm 0,51%). Các vụ việc đều được giải quyết ở địa phương, nhiều nạn nhân và người bạo hành đã trở về chung sống hòa thuận khi có sự tư vấn thấu tình đạt lý. Nhiều gia đình đã nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình văn hóa, không có bạo lực và tích cực tham gia công tác phòng, chống BLGĐ.
Để công tác phòng, chống BLGĐ đạt hiệu quả theo chiều sâu, đảm bảo tính kịp thời, sát thực, một trong những phương pháp mà tỉnh chú trọng thực hiện là xây dựng những mô hình, câu lạc bộ và địa chỉ, đường dây nóng tin cậy. Hiện nay, toàn tỉnh có 460 câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững. Mỗi CLB có từ 25 - 30 thành viên duy trì sinh hoạt định kỳ 2 tháng/lần. Ban Chủ nhiệm đồng thời là thành viên nhóm phòng, chống BLGĐ có trách nhiệm phát hiện, xử lý, can thiệp, hòa giải kịp thời những vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Những thành viên trong CLB được tìm hiểu về giáo dục ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình, kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình, văn bản, chính sách pháp luật mới về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình và phòng, chống BLGĐ... Từ kiến thức được tìm hiểu, các thành viên trong CLB đã tuyên truyền, phổ biến lại cho bà con, làng xóm nơi mình sinh sống. Các nhóm Phòng, chống BLGĐ với những thành viên là trưởng ấp, công an viên, chi hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Hội Nông dân, có sự phối hợp tích cực trong việc tư vấn, hòa giải, can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình. Nhờ vậy, hầu hết các vụ liên quan đến BLGĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh đều được giải quyết dứt điểm ở tuyến cơ sở.
Giữ vai trò tích cực trong phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh là Hội Liên hiệp Phụ nữ và lực lượng công an các cấp. Những địa chỉ tin cậy do Hội Liên hiệp Phụ nữ làm chủ và những đường dây nóng do công an phụ trách là nơi tạm trú an toàn, là nơi sẻ chia của nạn nhân trong những vụ bạo hành. Nhận thấy tầm quan trọng của mô hình này nên từ việc xây dựng điểm các địa chỉ tin cậy, đến nay, 144/144 xã, phường, thị trấn đều có địa chỉ tin cậy (621 địa chỉ tin cậy). Nhiều câu chuyện được sẻ chia và nhiều cuộc đoàn tụ cũng đã thành công nhờ có sự tư vấn, can thiệp kịp thời của những hòa giải viên không chuyên.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, những nội dung của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ và Chăm sóc, giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Hình sự... được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Đặc biệt, Luật Phòng, chống BLGĐ và các văn bản, nghị định liên quan được triển khai với nhiều hình ảnh minh họa, dẫn chứng cụ thể, từ đó số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh bình quân hàng năm giảm 20%, vượt so với kế hoạch (kế hoạch 10% - 15%).
Bích Liễu