Chuyện về những “chiến binh đặc biệt”

Cập nhật ngày: 28/09/2021 16:28:07

Những ngày cuối tháng 8/2021 - giai đoạn cao điểm của cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” tại Đồng Tháp, dường như mọi thứ đều trở nên khẩn trương, gấp gáp. Cái nóng oi ả của ngày hè hay cái buốt lạnh của những trận mưa đầu mùa bất chợt cũng không thể ngăn được bước chân của các chiến sĩ nơi tuyến đầu. Nơi tâm dịch thành phố Sa Đéc, mồ hôi của các “chiến sĩ áo trắng” chưa bao giờ mặn đến thế …


Alo, anh ơi, xe của Đội chuyển bệnh nhân từ thiện thành phố Sa Đéc bị thủng bánh xe dọc đường, đang kẹt tại Công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh. Anh tìm cách giúp đồng đội của em với”.

Từ lời đề nghị đột ngột này vào 22 giờ 27 phút ngày 20/8/2021 của Bác sĩ Trần Tấn Phát - nhân viên Trung tâm Y tế thành phố Sa Đéc, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp đã nhập cuộc, kịp thời ghi lại những khoảnh khắc đầy gian lao, vất vả và rất đáng trân trọng của các thành viên trong Đội vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có “nữ chiến binh áo trắng” Nguyễn Thị Thuỳ Dung, sinh năm 1985, nhân viên Trạm Y tế phường Tân Quy Đông, thuộc Trung tâm Y tế thành phố Sa Đéc.

17 giờ ngày 22/8/2021, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Y tế thành phố Sa Đéc. Theo lời giới thiệu của Bác sĩ Võ Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Thuỳ Dung, lúc này chị đang cùng đồng đội là anh Nguyễn Thành Việt chuẩn bị khởi hành để thu dung và đưa các F0 vào các cơ sở điều trị tại thành phố Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh.

Trong bộ đồ bảo hộ màu trắng kín người, vóc dáng cao, khoẻ khoắn, thoạt đầu mới nhìn không ai nghĩ, đó lại là người phụ nữ đã làm nhiệm vụ vận chuyển hàng nghìn F0, F1 trong suốt hơn 02 tháng ròng rã.

Gặp tôi, câu đầu tiên chị bảo “Chào em phóng viên. Tối nay, chúng ta sẽ chuyển 71 F0 lên các bệnh viện ở thành phố Cao Lãnh. Mau mau mặc đồ bảo hộ rồi bắt đầu đi cùng với Đội nghe”. Trước sự bỡ ngỡ và có chút lo lắng của tôi, chị trấn an “Em cứ an tâm, mình làm việc thiện, trời thương nên không sao đâu”.

Đồng hành cùng chị Dung trong suốt thời gian qua là tài xế Nguyễn Thành Việt, sinh năm 1977, ngụ xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc. Anh Việt là người tự nguyện dùng đội xe từ thiện của mình và bố trí tài xế phục vụ vận chuyển F1, F0. Bất kể giờ nào, ngày hay đêm, chỉ cần nhận cuộc gọi, anh và các tài xế trong Đội lại lái xe cứu thương sẵn sàng lên đường. Nhiều người gọi các anh là những tài xế đặc biệt bởi vì chuyên chở những bệnh nhân đặc biệt - bệnh nhân mắc Covid-19.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Khu cách ly Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Đình Chiểu, để rước bé gái F0 để chuyển đến Bệnh viện dã chiến Khu Du lịch Mỹ Trà (thành phố Cao Lãnh). Trước đó, bé là F1 của người thân trong gia đình. Bé đi một mình nên rất cần người lớn hỗ trợ. Cứ như thế, bé bám lấy chị như thể chị là người mẹ, người thân trong gia đình. Dù rất thương bé nhưng chị Dung cũng không thể làm gì khác hơn ngoài việc an ủi, động viên và nhanh chóng đưa bé lên xe rồi đóng chặt cửa lại. Nhìn vào trong xe, bé rơm rớm nước mắt.

Xe tiếp tục di chuyển đến khu cách ly Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố. Hôm nay, các xe của Đội chuyển bệnh tập kết tại đây để rước 70 bệnh nhân và chuyển lên các cơ sở điều trị tại thành phố Cao Lãnh: Bệnh viện Quân Dân y, Bệnh viện dã chiến Khu du lịch Mỹ Trà, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp v.v..

http://baodongthap.com.vn/database/video/20210928043058huongdan.mp4

"Nữ chiến binh áo trắng” Nguyễn Thị Thuỳ Dung hướng dẫn người dân trước khi đi cách ly

Trong "cuộc chiến" này, cần lắm sự sẻ chia. Chị Dung kể, thời gian đầu, khi số F0 đột ngột tăng mạnh tại thành phố Sa Đéc, nhiều người có tâm lý hoảng loạn, không chịu đi cách ly tập trung và đến cơ sở điều trị, phản kháng lại với lực lượng làm nhiệm vụ. Nhiều trường hợp chửi nặng lời rất khó nghe, thậm chí còn hành hung chị. Những lúc đó, chị cố gắng giải thích cho bà con hiểu, từ từ họ cũng chấp nhận theo mình.

Hơn 02 tháng qua, anh Việt và chị Dung đều sụt 6 - 7kg, nhiều người bạn cứ bảo nhìn chị như già đi chục tuổi. Tiếng còi xe cứu thương và mùi cồn khử khuẩn có lẽ là 02 thứ mà chị ám ảnh nhất. Nhiều khi đang ngủ chợt tỉnh giấc vì tiếng còi xe cứu thương cứ văng vẳng bên tai, đi sâu vào tâm thức - chị Dung nói.

Khi được hỏi có sợ khi hằng ngày, hằng giờ phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc Covid-19, nguy cơ lây nhiễm là rất cao, chị bình thản trả lời dứt khoát: Không sợ, vì theo chị “nếu ai cũng sợ thì ai sẽ đi chống dịch”?

Sau 02 tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, thành phố Sa Đéc đã ghi nhận hơn hàng nghìn ca mắc, hàng chục ca tử vong. Xứ sở ngàn hoa vốn yên bình ngày nào giờ đang gồng mình chống dịch trong vô vàn khó khăn.

Ngồi trên xe, chị Dung liên tục nhận cuộc gọi từ các nơi gọi về, tranh thủ từng phút, chị tâm sự: Ban đầu thì bản thân chỉ chuyển bệnh theo xã, phường nhưng khi thấy tình hình diễn biến phức tạp các anh em tài xế đi với nhiều người, không an tâm lái xe nên lúc đó bản thân quyết định sẽ tham gia. Lúc dịch bùng phát ở Bắc Giang, chị cũng có nói gia đình chuẩn bị tinh thần này. Đánh đổi niềm hạnh phúc riêng tư, chị dấn thân vào cuộc chiến bằng ngọn lửa của tình thương yêu người bệnh, trách nhiệm của người thầy thuốc.

http://baodongthap.com.vn/database/video/20210928043340goidien.mp4

"Chiến binh đặc biệt" Nguyễn Thị Thuỳ Dung gọi điện cho con trai

Là mẹ đơn thân của đứa con trai 12 tuổi, ròng rã suốt hơn 02 tháng nay tham gia chống dịch, chị chưa nghỉ ngơi 1 ngày để về thăm gia đình; nhớ con, nhớ nhà, chị chỉ nhìn qua điện thoại. Thi thoảng về ngang nhà, chỉ nhìn nhau qua hàng rào để chuyển ít sữa, ít bánh cho con rồi tích tắc lao xe nhanh đi, vì chị sợ rằng mình không đủ mạnh mẽ khi nhìn ba mẹ và con trai của chị khóc. Bởi, dù có mạnh mẽ đến mấy thì chị cũng là một người phụ nữ như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác.

"Vài ngày nữa là sinh nhật con trai, chị mong hết dịch để mẹ con sum vầy và tổ chức sinh nhật cho con. Chị nhớ nó quá em à!" - chị Dung bộc bạch.

Cũng giống như chị Dung, hơn 02 tháng nay, anh Việt chưa 01 lần ghé về thăm nhà. Sau những lần chuyển bệnh, anh phải tự cách ly vì khả năng có thể nhiễm bệnh và lây cho người thân bất cứ lúc nào.

Đến nay, anh Việt và chị Dung không nhớ chính xác con số chuyến đi, trong khoảng 500 - 600 chuyến, có hôm cao điểm lên đến trên 200 bệnh nhân, phải chuyển 16 lượt đi về từ 02 thành phố Sa Đéc - Cao Lãnh trong ngày với khoảng cách gần 30 km.

Trên hành trình này, anh Việt và chị Dung phải xử trí rất nhiều tình huống có thể xảy ra, nhất là khi có các ca bệnh chuyển biến nặng, khó thở hay những trường hợp chuyển dạ, bệnh nhi không có người nhà theo cùng. Đặc biệt có cả những trường hợp người bệnh tâm thần hay người nghiện ma tuý. Máy oxy, máy SPO2 là thứ thiết yếu phải có trên xe lúc này.

Anh Việt cho biết, bình thường, mỗi ngày hoàn thành xong công việc sớm nhất cũng khoảng 23 giờ, trễ nhất thì tới 01 giờ sáng hôm sau. Có hôm về tới Sa Đéc là đã hơn 3 giờ sáng, đinh ninh sẽ được ngủ một giấc, vừa thay xong bộ đồ lại nhận cuộc gọi chuyển viện cho bệnh nhân cần cấp cứu, thế là đi tới 6 - 7 sáng luôn.

Trên chuyến xe này, duy nhất chỉ có chị là nữ, những bất tiện, khó khăn là không thể tránh khỏi. Anh Việt kể, nhiều lúc thấy tội nghiệp Dung lắm. Đã có lần quá kiệt sức Dung ngất xỉu giữa khu cách ly hàng chục F0 đang chờ. Nói đến đây, giọng anh Việt đứt quãng … Chị Dung tiếp lời, lúc đó, em tỉnh lại khi xung quanh bà con đang chờ mình, bảo ráng lên Dung ơi, tự dưng như có thêm nguồn năng lượng vô hình, gượng dậy để tiếp tục hành trình.

Sau khi đưa bệnh nhân cuối cùng trong đêm vào Bệnh viện Y học cổ truyền, anh Việt bảo chị Dung và tôi xuống xe, thay bỏ đồ bảo hộ và vệ sinh khử khuẩn. Đôi bàn tay trắng bệch, khuôn mặt hằn vết khẩu trang do làm việc kéo dài của chị Dung, anh Việt thật sự ám ảnh tôi. Trong "cuộc chiến" chống dịch Covid-19 này còn biết bao nhiêu người như anh Việt và chị Dung mà tôi không biết hết. Họ đã âm thầm nhận lấy phần gian khổ cho mình, chỉ mong dịch bệnh chóng qua và cuộc sống sẽ trở lại bình yên.

21 giờ, xe chúng tôi di chuyển về thành phố Sa Đéc. Đêm thành phố Cao Lãnh vắng tanh. Những chuyến xe cấp cứu hú còi cùng lúc như xé toạc màn đêm yên tĩnh.

Sau cuộc gọi “cầu cứu” của Bác sĩ Phát, xe của Đội được hỗ trợ vá lại và đã có nhà hảo tâm tài trợ chi phí 6,5 triệu đồng để thay bánh xe. Cả đội ai nấy đều vui mừng - chị Nguyễn Thị Thuỳ Dung phấn khởi kể lại, đồng thời cho biết đây không phải là lần đầu tiên Đội của chị gặp sự cố.

Do đây là các xe từ thiện hoạt động đã lâu, trong đợt dịch này, cường độ vận chuyển liên tục trong thời gian dài nên xe quá tải, xuống cấp, nhiều hôm xe bị chết máy, cả đội phải xúm nhau đẩy cả đoạn đường dài. Tuy vất vả, nhưng anh em chúng tôi không nản lòng, bỏ cuộc - chị Dung nói.

22 giờ 30 phút, sau bữa cơm tối cùng anh em trong Đội, chúng tôi ngồi bàn kế hoạch sáng hôm sau đi thu hoạch rau củ và chuyển số mì gói do nhà hảo tâm tài trợ vào các khu cách ly cho các anh em. Cuộc trò chuyện gián đoạn khi anh Việt có cuộc gọi yêu cầu chuyển bệnh nhân gấp sang Trung tâm Y tế huyện Lai Vung. Và anh, chị lại tiếp tục hành trình chuyển bệnh cho ngày mới ...

Bác sĩ Võ Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Sa Đéc cho biết, suốt gần 02 tháng qua, y sĩ Nguyễn Thị Thuỳ Dung không một ngày nghỉ ngơi, trực tiếp điều phối Đội, cùng các anh em tổ chức hàng trăm chuyến xe vận chuyển hàng nghìn bệnh nhân mắc Covid-19 đến các khu điều trị trong và ngoài địa phương, cũng như đưa, rước F1 đến khu cách ly tập trung. Tinh thần tự nguyện, không ngại khó khăn, hiểm nguy và nhất là cái tâm, y đức người thầy thuốc của y sĩ Nguyễn Thị Thuỳ Dung đã truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu, rất đáng biểu dương, trân trọng.

Văn Khương - Đồ họa: Thanh Toàn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn