Chuyện vợ người anh hùng
Cập nhật ngày: 19/10/2022 10:55:24
ĐTO - Chị tên Âu Thị Rẩy, sanh năm 1941, là vợ anh Hai Tre (Nguyễn Văn Tre) nên bà con thường gọi là chị Hai Tre.
Cảnh sống của chị Hai Tre cũng như bà con xã Thanh Mỹ những năm chống Mỹ vô cùng gian nan, ác liệt trước bom pháo đạn độ và liên tục đổ quân càn quét của Mỹ ngụy hòng tát sạch dân khỏi vùng giải phóng.
Bà Hai Tre và cháu nội
Bám đất, bà con rời giang cây bí mật che chòi, đắp công sự ngoài bờ chướng 500 bí mật ở. Nhưng bọn trực thăng “cá nóc” tìm đánh. Bà con mỗi ngày phải tản cư sáng đi chiều về. Lâu dài cực khổ quá.
Chi bộ Đảng họp quyết tâm động viên bà con bám đất bằng cách đắp công sự thật chắc, cất nhà công khai ở ngoài bờ chướng 500. Anh Hai Tre làm trước. Rồi chú Sáu Ức, Bảy Vẹo, chị Ba Cảnh cùng nhiều bà con vần công đắp công sự cho nhau, cất nhà lộ thiên ra ở. Mấy lần trực thăng đổ quân, chúng hạch hỏi sao bà con không ra vùng quốc gia ở cho yên. Chị Hai Tre và bà con đều nói bỏ ruộng vườn, ra đó chết đói làm sao.
Cứ 3, 4 giờ sáng, chị Hai thức dậy nấu cơm, rạng sáng anh Hai ăn rồi chị bới cơm vô hộp guy-gô, trên để thức ăn, cho anh Hai Tre ra giang cây ở và chiến đấu. Cơ quan Thông tấn Báo chí tỉnh Kiến Phong, đội chiếu phim, Quân y huyện Mỹ An và nhiều cơ quan khác cũng ngày bám giang cây, chiều tối ra nhà dân nấu cơm ăn, ngủ hoặc bơi xuồng đi công tác, chịu đựng gian khổ cùng bà con.
Cứ mỗi ngày hoặc hai, ba ngày là máy bay phản lực tới ném bom, pháo từ Giáo Đức bất thường ngày đêm dội vô tấp nập, trực thăng đổ quân đánh vô ấp Hưng Lợi. Chị Hai Tre bồng dắt ba đứa con cùng bà con vô công sự tránh bom đạn. Chị thường ngồi ở miệng công sự, mắt nhìn ra giang cây - nơi anh Hai Tre cùng các anh em bám ở đó chiến đấu. Tim chị đập nhanh, phập phồng trước tiếng máy bay, đạn bom gầm rú, khói bay mờ giang cây, chị lo lắng cho chồng, cho anh em trong đó có ai sao không?
Hết trận càn, bắn pháo, ném bom của địch, không khí yên tĩnh, chị Hai Tre thường nắm cây trâm bầu đu người nhìn ra hướng đầu con mương mong bóng anh Hai Tre về. Chị mong chồng bình yên và bơi xuồng (mùa nước) hay lội bộ (mùa khô) đi về. Anh về, chị âu yếm giục anh đi tắm rồi ăn cơm. Thằng Kha, thằng Hồng mừng rỡ chạy ra đón cha. Anh cười vui giỡn với con, nựng con Hoa mới một tuổi một hồi mới đi tắm, cùng cả nhà ăn cơm.
Cảnh ác liệt đó cứ diễn ra đêm ngày, cho đến ngày 25/12/1969 đúng lễ Nô-en, 8 giờ sáng bộ “tam sên”, bà con quen gọi bầy trực thăng 5 chiếc gồm: chiếc “đầu láng” chỉ huy, 2 chiếc “cá lẹp” chuyên phóng hỏa tiễn và bắn thượng liên, 2 chiếc “cá nóc” rà thấp ném lựu đạn cay và bắn tiểu liên cực nhanh, từ Vĩnh Long bay qua, quần đảo rồi bắn tá lả vào nhà dân. Chị Hai Tre tay phải bồng con Hoa đứng trước sân khoát tay cố ý cho chúng thấy là đàn bà, con nít. Tức thì chiếc “cá lẹp” chúi đầu phóng một trái hỏa tiễn nổ cách chị 3 thước. Chị Hai Tre vừa sang tay bồng con Hoa thì hỏa tiễn nổ, cánh tay phải của chị bị miểng cắt lìa văng ra, chân phải chị bị gãy xương đùi quặt qua một bên, chị ngã vật xuống mé mương, nước ngập tới bụng. Con Hoa bị thương bả vai và một ngón tay, khóc ré lên.
Chiếc trực thăng chỉ huy đáp xuống miếng ruộng cách chị 20 thước. Một tên Mỹ bước lại coi “chiến công” của chúng. Nó nhìn chị, nhìn cánh tay văng một bên, máu ra đỏ mặt nước mương, nó chắc chị chết, bỏ mặc, bắt thằng Hồng bị thương tát một mảng mông và chị Ba Cảnh dẫn lên trực thăng, cả bọn bay về Vĩnh Long.
Sáu Liêm cùng anh em Quân y huyện Mỹ An đóng trong vườn gần đó, vội vàng chạy ra bồng chị lên, băng bó, cầm máu các vết thương. Anh Hai Tre ngoài giang cây theo dõi thấy chúng đánh ngang nhà mình cũng vội vã chạy về. Nhìn chị, anh chết điếng cố nói an ủi chị: “Bà ơi, ráng lên, phải sống để nuôi con!”. Chị thều thào: “Ông ở lại ráng nuôi ba đứa nhỏ, cho nó đi học...”. Hội em anh Hai Tre cũng chạy tới. Trước cảnh đó, nó chửi thề: “Mẹ nó! Như vầy không bắn cho chết mẹ nó sao được!”. Bác Hai Hòn ông già anh Hai Tre, cùng gia đình chị Năm Tiểu cũng ra khỏi công sự, vây quanh chị. Chú Sáu Ức nhà gần đó cũng lội tới. Bà con lấy chiếc xuồng đậu khuất trong đám trâm bầu, gắn máy đuôi tôm. Cô Sáu Nhỏ nhanh nhẹn, cặp xuồng vô. Anh Hai Tre bồng chị đặt xuống xuồng. Sáu Nhỏ giựt máy đuôi tôm, cầm lái chở chị ra An Thái Trung. Bọn ngụy ở đây thấy tình cảnh chị liền cho xe nhà binh chở chị qua nhà thương Vĩnh Long.
Tới nơi là 3 giờ chiều. Chị Hai cứ hôn mê rồi tỉnh, lại hôn mê tới ba lần. Bác sĩ người Việt Nam xem vết thương, chích thuốc cầm máu, mở băng, cắt da thịt nhầy nhụa trên cánh tay, may lại và tiếp máu cho chị. Các bác sĩ làm vết thương chân, lấy xương vụn, nối lại hai đầu xương, cặp băng cố định chân lại, rồi đưa qua khoa ngoại ở tầng trệt. Chị Hai ruột của chị hay tin cũng tìm đến nuôi chị và lên tầng lầu tìm Hồng, gặp nó đang nằm trị ở đó. 10 ngày sau chúng thả chị Ba Cảnh và Hồng được xuất viện, ra về ở nhà dì Ba ở Chùa Bà, xã Thanh Hưng.
Chị Hai Tre nằm ở đây đau đớn thân thể tàn phế mà lòng cứ nhớ về Thanh Mỹ, không biết anh Hai, ba đứa con sống ra sao! Mỗi lần nghe tiếng máy bay trực thăng cất cánh ở sân bay Vĩnh Long là lòng chị quặn lại, lo lắng cho anh Hai và và anh em trong đó. Bọn chiêu hồi tới dụ chị: “Chị kêu ổng ra đi, chánh phủ Quốc gia khoan hồng...”. Chị trả lời: “Đường chính nghĩa ổng đi, tôi làm sao nói được”. Nhiều lúc nghĩ mình tàn phế chết quách cho rồi, nhưng nhớ tới con, chị phải sống để lo cho con. Anh Hai Tre mấy lần ra Chùa Bà hỏi thăm tin tức về chị, nhắn chị ráng chống chỏi sống để nuôi con.
Nằm điều trị ở nhà thương Vĩnh Long tới một năm tám tháng chị mới xuất viện. chị Ba của chị đón chị về nuôi ở Chùa Bà. Thằng Hồng về ông nội nuôi. Con Hoa, cô Năm Dầy ở Bờ Gòn Thanh Hưng nuôi. Chị buồn trước cảnh nhà, anh Hai, chị và ba đứa con phải ở bốn nơi!
Phải sống để nuôi con. Nghị lực trong chị bùng lên. Chị cố tập đi. Chân bị thương cứng khớp thẳng đơ, ngắn hơn chân bên trái. Mỗi lần bước đi, hai đầu xương chỏi nhau đau điếng, chị té xuống, được người đỡ lên, cố bước nhưng không đi được.
Chị nhờ mua một cái tủ, nhờ chị Ba qua Sa Đéc bổ hàng về cho chị ngồi một chỗ bán. Bà con lối xóm thương tình tới mua.
Cuối năm 1970, địch lần lượt đóng đồn giáp ấp Mỹ Thạnh, ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ. Ngày 14/1/1971 (nhằm ngày 19 tháng giêng năm Tân Hợi), anh Hai Tre hy sinh. Bà con ra cho chị hay - chân chị còn băng bột chưa đi lại được. Tin dữ như sét đánh, chị đau điếng người. Vậy là anh mất, chị không được nhìn mặt anh lần cuối, không được dự chôn cất, đắp mộ, thắp cho anh một nén hương! Chín ngày sau, chị lại được tin, Hội bị bọn đồn Cống Đứt Đoạn đánh biệt kích qua kinh Kháng Chiến bắn chết. Chị bủn rủn tay chân, hết biết sự đời! Sao mà khổ đau dồn dập như nầy!
Hơn một năm sau, hai chân đi tập tễnh, chị trở về Thanh Mỹ. Bác Hai Hòn đã dời nhà về đất cũ bên ấp Hưng Lợi. Chị được chở đến thăm mộ anh Hai và mộ Hội được chôn một dãy với mộ Tư Sum (em anh Hai Tre, hy sinh trước đó) và ông bà nội trước nhà chỗ chị bị thương. Giặc Mỹ đã khiến vợ chồng chị ly biệt. Chị cố cắn răng mà nước mắt tuôn dầm.
Để sanh sống, chị mua chiếc ghe tam bảng có mui để đi bán hàng. Chị đón tàu đò, nhờ chủ đò dìu chị xuống, dắt lên, qua Sa Đéc bổ hàng về. Kha mới 8 tuổi chèo lái. Tội nghiệp nó mỗi lần nâng hai guốc chèo lên, nó phải nhón gót mới đưa được mái chèo quạt nước. Hai mẹ con chèo bán dạo lòng vòng trong xóm. Một hôm, bọn lính đồn Cống Đứt Đoạn kêu ghe chị lại. Một tên hỏi lớn: “Ai chủ ghe hàng đây?”. Chị trả lời: “Tui đây. Chân không đi được”. Chúng kêu Kha lên, đưa trái lựu đạn ra dọa: “Tiền đâu?”. “Tiền mẹ tui giữ”. Kha đáp. Chúng xuống ghe móc túi chị Hai lấy 8 ngàn đồng, rồi cướp kẹo đậu phộng, bỏ đi. Chị chửi thầm: “Đồ ăn cướp cạn”.
Chị lại ở nhà nấu rượu bán. Mỗi ngày nấu năm nồi cơm, năm kháp rượu, từ năm giờ sáng tới năm giờ chiều mới xong. Mười ngày, chị đi bỏ mối rượu một lần. Nhờ vợ thằng Giới xách mấy can hai mươi lít đựng rượu xuống xuồng. Một tay chị cầm dầm cặp bờ kinh chống tới. Ghé bến nhà ai, chị kêu người xuống xách can rượu lên, đong đếm bao nhiêu họ biết, rồi xách can xuống trả tiền trả can cho chị. Chị lại chống đi điểm khác. Nơi xa nhứt là nhà chị Sáu ở Kinh Một. Từ nhà ở cách ngã tư Thanh Mỹ hơn một cây số, chị phải chống cặp bờ trái vô Kinh Một hơn một cây số nữa. Nước ngược chảy mạnh, chị phải chống xuồng lên xa hơn mới bung xuồng qua bờ bên kia kinh, trừ hao nước chảy mới cặp xuồng lại bến nhà chị Sáu. Mệt lả người. Mồ hôi ra ướt áo. Chị kêu người trên nhà xuống xách mấy can lên, sang rượu qua, trả can lại và trả tiền. chị lại vất vả chống xuồng về nhà.
Sau ngày hòa bình, mộ anh Hai Tre được bốc hài cốt đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Thằng Kha, Hồng và con Hoa đều đi học. Kha ở nhà còn tiếp mẹ nuôi bầy heo, có cả heo nái. Hồng học hết Trung học cơ sở, qua Sa Đéc ở nhờ Sở Văn hóa Thông tin đi học Trung học phổ thông. Ba năm sau, Hoa cũng qua Sa Đéc ở nhờ cơ quan phụ nữ tỉnh học tiếp.
Khổ nối gót chân phải bị thương của chị làm mạch lươn cứ rỉ nước vàng không chịu lành, mỗi ngày phải lau rửa, băng lại, đi khập khiễng, chân thấp chân cao. Chữa trị đủ cách hơn mười năm mới chịu lành.
Ngày nay, chị Hai ở chung nhà với vợ chồng Hồng. Hồng đang là Tỉnh ủy viên - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp, đã có ba con nhỏ. Chị vui tuổi già bên con cháu, tuy hằng ngày bận rộn với bầy cháu nội con gái mà “quậy” hơn con trai. Hoa là cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh. Kha có vợ, sống ở quê, là đảng viên công tác tại xã, có con gái là Mai đang là Phó Phòng Nội vụ huyện Tháp Mười. Chị thường đau yếu, hằng tháng hoặc bất thường phải đến bệnh viện phục hồi chức năng chữa trị, lấy thuốc. Dịp Tết, ngày Thương binh liệt sĩ chị cùng các con đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh thắp nhang viếng mộ anh Hai Tre đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 6/11/1978.
NGUYỄN ĐẮC HIỀN