Có nghề, người dân thoát nghèo

Cập nhật ngày: 28/11/2012 05:43:41

Nhằm tạo điều kiện cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn có được một nghề trong tay, 2 năm gần đây, Trường Trung cấp Nghề (TCN) Hồng Ngự đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp dạy nghề nông thôn, bước đầu mang lại kết quả khả quan.


Người dân xã An Bình B đan ghế, bàn nhựa

Từ năm 2011 đến nay, Trường TCN Hồng Ngự phối kết hợp với Phòng LĐTB&XH cùng UBND các xã, phường trên địa bàn thị xã Hồng Ngự mở trên 30 lớp dạy nghề nông thôn với các nghề như: may công nghiệp, đan ghế nhựa, chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, công nhân xây dựng,... Mỗi lớp có từ 20 đến trên 30 học viên là những người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã và những người dân ở các địa phương lân cận đến xin đăng ký học. Tùy theo ngành nghề mà lớp học có thời gian từ 7 ngày đến 4 tháng, học viên thuộc diện hộ nghèo được trợ cấp tiền cơm mỗi ngày.

Theo thầy Nguyễn Nhật Trung, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường TCN Hồng Ngự, sau khi học xong nghề, hầu hết các học viên đều muốn theo nghề. Ngoài chế độ chính sách theo quy định là học viên được địa phương xét hỗ trợ vay vốn sau khi học nghề, trường còn làm đầu mối trung gian lãnh nguyên vật liệu về cho học viên thực tập cũng như nhận làm tại nhà sau khi học viên hoàn thành khóa học.

Cô Trương Thị Mến, giáo viên dạy nghề đan ghế nhựa và đan lục bình cho biết: “Tham gia lớp học các anh chị học viên phấn khởi và tiếp thu nhanh, thời gian dạy cũng linh hoạt, thường từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều, đa phần nghề tôi dạy được tổ chức tại nhà học viên nên học viên rất dễ dàng sắp xếp thời gian học”.

Sau khi hoàn thành khóa học nghề, thường thì người dân được doanh nghiệp hay đơn vị đầu mối đưa sản phẩm đến tận nhà hoặc đến một địa điểm khu vực dân cư để mọi người nhận sản phẩm về làm. Dù trời đã xế chiều nhưng hàng chục người dân tại địa bàn ấp 1, xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự vẫn say sưa đan sản phẩm ghế, bàn nhựa. Không ruộng đất, không nghề nghiệp, quanh năm với nghề thuê mướn, chị Nguyễn Thị Thảo, 37 tuổi, ngụ ấp 1, xã An Bình B tâm sự: “Tôi có 3 người con, hồi trước nhà cứ thiếu thốn tiền bạc. Tôi nhận đan ghế, bàn được gần 2 năm. 2 vợ chồng tôi cùng đứa con gái đan 4 bộ chân bàn gồm 16 miếng thu nhập được 160 ngàn đồng/ngày”. Tương tự, chú Nguyễn Văn Hùng, ngụ tổ 1, ấp 1, xã An Bình B nhờ có nghề đan ghế nhựa nên chuyện tiền nông cho việc học của con không còn túng thiếu như trước.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ LĐTB&XH xã An Bình B cho biết, tính đến nay toàn xã có trên 90 người có việc làm từ nghề đan ghế nhựa và điện gia dụng (phần lớn là các hộ nghèo, cận nghèo và có cuộc sống khó khăn), trong đó có một số lao động địa phương sau khi học nghề lên làm công nhân lắp ráp điện tại TP.HCM. Nhiều hộ dân nhờ có nghề đã thoát nghèo, cuộc sống gia đình được cải thiện.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn