Xã đoàn Thanh Mỹ

Có nhiều mô hình giúp thanh niên ổn định cuộc sống

Cập nhật ngày: 30/03/2016 12:33:52

Những năm qua, Xã đoàn Thanh Mỹ (huyện Tháp Mười) đã thực hiện nhiều mô hình giúp đoàn viên, thanh niên (ĐV,TN) phát triển kinh tế.

Anh Châu Văn Tuấn, một trong những TN của ấp Lợi Hòa vươn lên ổn định cuộc sống từ Tổ hợp tác (THT) dịch vụ chăm sóc và mua bán hoa kiểng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Nhà 4 nhân khẩu, chỉ dựa vào thu nhập từ nghề hớt tóc của tôi và hơn 1 công đất ruộng. Làm ruộng thất bát, hớt tóc thì ngày có khách ngày không, nên cuộc sống lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Nhưng sau khi học lớp dạy nghề nông thôn về chăm sóc, tạo dáng hoa kiểng, tôi tham gia THT dịch vụ chăm sóc và mua bán hoa kiểng của Đoàn TN xã, nên hầu như ngày nào cũng có việc làm, có khi làm không kịp. Giờ, bình quân thu nhập của tôi trên 6 triệu đồng/tháng, mức thu nhập tương đối khá ở vùng nông thôn này”.


Anh Châu Văn Tuấn chăm sóc kiểng

Được biết, THT dịch vụ chăm sóc và mua bán hoa kiểng của Xã đoàn Thanh Mỹ thành lập cuối năm 2014, với 7 thành viên, chuyên đi sửa, tạo dáng và chăm sóc cây kiểng như mai vàng, nguyệt quế, mai trắng, tùng... cho các gia đình. Ngoài chăm sóc hoa kiểng, tổ còn có thêm dịch vụ mua bán hoa kiểng, giúp cho nhiều TN có việc làm, thu nhập ổn định. Hiện tại, THT dịch vụ chăm sóc và mua bán hoa kiểng không chỉ sửa kiểng ở trong huyện mà còn ở các huyện, tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang,... Theo anh Nguyễn Tuấn Kiệt - Bí thư Xã đoàn Thanh Mỹ, từ khi thành lập, THT đã nhận sửa kiểng cho nhiều vườn kiểng lớn, tổng doanh thu của tổ trong năm qua trên 450 triệu đồng (tính cả nguồn vốn còn lại trong tổ), hàng tháng chia lợi nhuận mỗi tổ viên được trên 6 triệu đồng. Lúc đầu thành lập tổ, đa số anh em tổ viên đều thu nhập bấp bênh.

Mô hình Tổ vần trả công của Xã đoàn cũng mang lại nhiều hiệu quả, giúp 9 thành viên trong tổ tiết kiệm được chi phí thuê lao động hàng chục triệu đồng/vụ trong sản xuất nông nghiệp theo kiểu “lấy công làm lời”. Anh Nguyễn Văn Cần (ngụ ấp Lợi An), tổ viên Tổ vần trả công cho biết: “Trước đây, mỗi vụ với 70 công ruộng tôi phải tốn gần 5 triệu đồng để thuê nhân công xịt thuốc. Năm 2013, từ gợi ý của Xã đoàn, chúng tôi đã tập hợp những anh em làm ruộng tương đối nhiều trong xóm thành lập Tổ vần trả công. Tới đợt phun xịt là anh em trong tổ tập trung máy móc xịt vần công cho nhau. Tính ra mỗi vụ tổng số tiền tiết kiệm chi phí sản xuất của tổ gần 50 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm này, tùy mỗi gia đình có thể sắm sửa thêm thiết bị để sản xuất hay những vật dụng tiện nghi”.

Xã đoàn cũng vận động ĐV,TN thành lập Tổ hùn vốn theo hình thức góp vốn xoay vòng để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, với mức góp 100.000 đồng/người/tháng. Số tiền góp được sẽ hỗ trợ cho những ĐV,TN có hoàn cảnh khó khăn, sau đó xoay vòng cho các thành viên khác. Mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực và nhận được sự đồng tình của nhiều ĐV,TN. Sau thời gian hoạt động số TN tham gia hùn vốn đã lên đến 25 người. Mỗi tháng, tổ xét hỗ trợ cho 1 TN vay vốn với số tiền từ 3 - 5 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, trồng trọt hoặc mua sắm trang thiết bị sản xuất,... Nhìn chung, các mô hình của Xã đoàn Thanh Mỹ đã góp phần giúp tăng thu nhập cho ĐV,TN trong xã, nhiều ĐV,TN thuộc diện hộ nghèo trước đây nay đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Tuấn Kiệt - Bí thư Xã Đoàn Thanh Mỹ cho biết: “Hiện xã có 1 THT dịch vụ chăm sóc và mua bán hoa kiểng; 2 Tổ hùn vốn; 1 Tổ phun xịt và 1 Tổ vần trả công, với tổng cộng trên 50 thành viên. Trong đó, hoạt động hiệu quả nhất là THT dịch vụ chăm sóc và mua bán hoa kiểng ở ấp Lợi Hòa. Xã đoàn đang tập hợp danh sách những TN chí thú làm ăn và xem xét, phân tích điều kiện của địa phương để hướng đến thành lập thêm một số mô hình tổ phát triển kinh tế nhằm góp phần nâng cao mức sống và thu nhập cho ĐV,TN”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn