Cộng đồng trợ giúp người tâm thần
Cập nhật ngày: 15/08/2016 16:13:50
ĐTO - Toàn tỉnh hiện có 8.286 người tâm thần (TT), trong đó có 2.008 người TT đặc biệt nặng, 5.143 người TT nặng, 1.082 người TT nhẹ, 53 người không xác định được mức độ. Các dạng rối loạn TT do rượu, nghiện game, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn lo âu sau tai nạn, loạn thần tuổi già đang gia tăng. Đây cũng xem là một mối nguy cơ có khả năng dẫn đến án mạng do người TT gây ra mà không biết phải ngăn chặn hay kiểm soát từ đâu.
Theo kết quả điều tra người khuyết tật năm 2015, tỉnh có 53 đối tượng TT không xác định được mức độ, chưa được gia đình đưa đi khám và điều trị với nhiều lý do như: không có người đưa đi, kinh tế khó khăn, không có người tư vấn, hướng dẫn... Phần lớn người TT, người rối nhiễu tâm trí (RNTT) là con em những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người thuộc gia đình hộ nghèo, sống chủ yếu dựa vào người thân, gia đình, họ hàng; việc đi lại, giao tiếp xã hội và tiếp cận các dịch vụ dành cho người TT gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, số người TT của tỉnh có nhu cầu chữa bệnh, được chăm sóc, phục hồi chức năng rất cao (8.286 người), nếu đối tượng là người TT đang được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh thì các nhu cầu trên được đảm bảo tương đối, nhưng đối với các đối tượng ngoài cộng đồng thì việc chăm sóc phục hồi chức năng tại gia đình gặp rất nhiều khó khăn do chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về chăm sóc phục hồi chức năng cho người TT, đồng thời tâm lý chung của gia đình có người bệnh TT là giấu giếm, nghĩ rằng đây là bệnh trị không hết nên gia đình không đưa đi điều trị.
Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe TT thời gian qua với sự tham gia của các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân bước đầu đã có hiệu quả. Đối với công tác trợ giúp xã hội, theo kết quả điều tra năm 2015, trong tổng số 2.008 người TT, có 1.838 người đang được trợ cấp xã hội (TT đặc biệt nặng). Những năm qua, ngành lao động, thương binh và xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo cùng với các sở, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực, phối hợp đưa các chính sách trợ giúp, các chương trình nhân đạo,... đến với người TT... Mục tiêu kế hoạch thực hiện đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người TT, người RNTT dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 của UBND tỉnh là huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người TT để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người RNTT bị mắc bệnh TT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự xã hội. Cụ thể, trợ cấp và trợ giúp 100% người TT phân liệt, mãn tính; 90% người TT có hành vi gây nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và người TT lang thang được điều trị bệnh, phục hồi chức năng tại bệnh viện TT và các cơ sở bảo trợ xã hội; phát triển mạng lưới dịch vụ tư vấn, tham vấn phòng ngừa RNTT, bảo đảm 90% người RNTT được tư vấn, trị liệu tâm lý; 100% người bị TT phân liệt và chứng động kinh tại các xã, phường, thị trấn được hỗ trợ phục hồi chức năng thông qua Chương trình Quốc gia về sức khỏe TT tại cộng đồng.
TN