Đào tạo nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cập nhật ngày: 21/09/2012 10:12:17

Đào tạo nghề-giải quyết việc làm không chỉ giúp cho người lao động có thu nhập ổn định cuộc sống mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.


Học sinh đăng ký tham gia học nghề năm 2012

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về thực trạng nguồn nhân lực trong năm 2011, tỉnh có 65,3% lao động trong độ tuổi, trong đó 52,3% lao động đang làm việc; cơ cấu lao động của tỉnh có sự chuyển dịch tương đối nhanh, phần lớn từ khu vực nông - lâm - thủy sản sang khu vực thương mại - dịch vụ. Tỷ lệ lao động hoạt động kinh tế hiện nay chia theo lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chiếm 41%, công nghiệp - xây dựng chiếm 27% và thương mại - dịch vụ chiếm 32%; lực lượng lao động trẻ (từ 15 đến 34 tuổi) chiếm 56,25% so với lao động trong độ tuổi là điều kiện rất thuận lợi trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực, mạng lưới đào tạo nghề tiếp tục được mở rộng. Từ năm 2007 đến năm 2011, mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh phát triển khá mạnh, các trường nghề, trung tâm dạy nghề (TTDN) đến nay đã phủ kín đến các huyện. Trường Dạy nghề được nâng cấp lên Trường Cao đẳng nghề (năm 2007), 3 TTDN và Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Giao thông Vận tải được nâng cấp lên Trường Trung cấp nghề, thành lập mới 3 TTDN (trong đó có 2 TTDN tư thục).

Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Sở LĐTB&XH cũng đã xây dựng dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới dạy nghề giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Ngoài mạng lưới trường, hiện toàn tỉnh còn có 25 cơ sở dạy nghề; quy mô đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay trên 22.000 học viên/năm. Nhìn chung, hệ thống cơ sở dạy nghề công lập từng bước được nâng cấp, tăng dần về quy mô và chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động theo các cấp độ đào tạo. Bình quân hàng năm, toàn tỉnh có trên 21.000 học viên tuyển mới vào học nghề.

Từ khi thực hiện Luật Dạy nghề (2007-2011), có 108.132 học viên trúng tuyển học nghề theo 3 cấp trình độ đào tạo; trong đó Cao đẳng nghề 3.150 sinh viên, trung cấp nghề 13.142 học viên, sơ cấp nghề 36.325 học viên, dạy nghề dưới 3 tháng 55.515 học viên. Kết quả trên đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2011 đạt 43,3%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 28,7%; cao hơn 7,7% so với năm 2007 (21/28,7%), từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Chất lượng đào tạo đạt yêu cầu: đối với sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, học viên sau khi được đào tạo đều có việc làm tăng thêm thu nhập và ổn định cuộc sống bằng nghề đã học; đối với hệ đào tạo Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường đều đáp ứng tốt yêu cầu công việc ở từng vị trí công tác hoặc phục vụ tốt cho các cơ sở sản xuất tại địa phương.

Để góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực, Sở LĐTB&XH đã đề ra kế hoạch đào tạo nghề. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh công tác tuyên truyền vận động các hội, đoàn thể lồng ghép vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đầu tư hoàn thiện 4 trường Trung cấp nghề (Hồng Ngự, Tháp Mười, Thanh Bình, Giao thông - Vận tải), tăng cường năng lực cho các trường và TTDN đảm bảo có đủ khả năng đào tạo nghề; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề phổ cập các nghề mới cho giáo viên các Trung tâm, các Trường dạy nghề.

Viết Nhiều

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn