Đào tạo phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 13/09/2013 03:54:05

Từ đầu năm 2013 đến nay, trên lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức mở nhiều lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp. Quy trình tổ chức các lớp dạy nghề, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện chặt chẽ, nhờ đó người lao động yên tâm học nghề.

Tại huyện Tân Hồng, từ đầu năm 2013 đến nay, có 2 lớp tạo sản phẩm từ tre, trúc, mây được mở với 51 học viên theo học. Sau khóa học có 40 học viên được hỗ trợ, giới thiệu việc làm, sản phẩm làm ra được tiêu thụ tại địa phương. Gắn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian nhàn rỗi, Sở Công Thương cùng các đơn vị liên quan đã khảo sát, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhu cầu học nghề của học viên; liên hệ phối hợp với các cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp có nhu cầu lao động, lên kế hoạch dạy nghề, bố trí việc làm cho lao động sau khi hoàn tất khóa học và định hướng tiêu thụ sản phẩm do lao động làm ra. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ trên, lao động nông thôn có được việc làm thu nhập ổn định (mỗi ngày từ 30.000 - 60.000 đồng).

Tại huyện Lai Vung, theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng, từ năm 2011 đến nay huyện đã mở 46 lớp dạy nghề nông thôn gồm các nghề đan bội, đan thảm lục bình, có 1.352 lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo chiếm 52,3%. Để thu hút lao động học nghề tiểu thủ công nghiệp, hàng năm huyện tuyên truyền Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến với người dân.

Trong đó nhấn mạnh, người học nghề sẽ không chịu bất kỳ khoản chi phí nào; những người thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách sẽ được hưởng thêm 15.000 đồng/ngày thực học; được hỗ trợ tiền xăng đi lại trong quá trình học. Đa số lao động nông thôn sau đào tạo đều tự tạo việc làm, hoặc nhận gia công sản phẩm cho các cơ sở sản xuất tại địa phương.

Bên cạnh công tác đào tạo các nghề tiểu thủ công nghiệp việc tìm kiếm, phát triển thị trường cũng được Sở Công Thương quan tâm. Cụ thể, trong thời gian qua, Sở đã thành lập đoàn tổ chức 2 đợt tìm hiểu, nghiên cứu thị trường tại các Hội chợ triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Phú Yên. Sau mỗi đợt tìm hiểu, các cơ sở sản xuất, làng nghề đã tìm kiếm được đối tác, hợp tác; chia sẻ liên kết trong công tác quản lý, tiêu thụ sản phẩm. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, hiện tại Sở có kế hoạch mở 6 lớp dạy nghề nông thôn theo kế hoạch phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

Trong đó, chương trình phối hợp đặc biệt chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt nhu cầu thị trường; tạo điều kiện cho cơ sở, doanh nghiệp tham gia tại các hội chợ trong, ngoài tỉnh, hỗ trợ liên kết các cơ sở sản xuất làng nghề kết hợp với dịch vụ du lịch, tăng thu nhập cho lao động nông thôn tham gia nghề tiểu thủ công nghiệp.

P.Lộc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn