Đất và người làng hoa

Cập nhật ngày: 01/01/2024 05:31:45

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240101055545DT4-5.mp3

 

ĐTO - Từ một vạt đất ven sông Tiền, chưa có địa danh, ba bề sông nước nhưng cảnh quan tươi đẹp, trù phú, màu mỡ... Nhiều người từ “Đàng ngoài” đến đây khai phá, lập nghiệp, hình thành nên cộng đồng dân cư. Cho đến đời Gia Long thì lập nên “thôn Tân Qui Đông”. Đây là 1 trong 52 thôn của tổng Vĩnh Trung, thuộc trấn Vĩnh Thanh (cũng là 1 trong 5 trấn của Thành Gia Định xưa).


Ông Nguyễn Văn Hon - Chủ tịch UBND TP Sa Đéc phát biểu tại buổi lễ tri ân và tôn vinh tiền nhân, tôn vinh nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc năm 2021 (ảnh TL)

Vài năm sau đó, Trịnh Hoài Đức có dịp quan sát thôn Tân Qui Đông mà ghi lại trong “Gia Định Thành Thông Chí” vào năm 1820 rằng: “Nơi đây tuy chốn lâm tuyền mà gần nơi thành thị, kẻ muốn nhàn tĩnh thì đến bến sông phía Bắc bơi thuyền qua Tiền Giang mà tắm gội gió trăng. Người ưa phồn hoa thì đến bến sông phía Nam chèo thuyền xuống sông Sa Đéc mà dạo chơi thành thị”. Như vậy đủ thấy Tân Qui Đông có một vị trí “đắc địa” từ thuở ban đầu.

Trịnh Hoài Đức còn cẩn trọng chiêm nghiệm sự sống, cuộc sống, đời sống của cư dân ở đây mà chép rằng: “Có ruộng cày khi làm nông phu cũng được, có sông sâu khi làm ngư phủ cũng nên, đủ cả lạc thú, đáng gọi là một cù lao có cảnh trí mỹ mãn khác thường”.

Ba thế kỷ thăng trầm cùng lịch sử, đi từ thôn Tân Qui Đông, rồi tới làng, có lúc là hộ, là xã cho tới hôm nay là phường. Địa danh Tân Qui Đông “Anh hùng lực lượng vũ trang” vẫn vẹn nguyên hào khí dũng cảm, gan góc mà lại tài hoa - lịch lãm, tiếng tăm vang dội khắp trong Nam ngoài Bắc, lan ra bạn bè thế giới về một “Làng hoa” mà làm nên “Thành phố Hoa”, “Thành phố học tập toàn cầu”, TP Sa Đéc!

Quá trình khai mở, chinh phục thiên nhiên ở đây phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Có lúc, cha ông xưa cảm thấy nhỏ bé, gần như bất lực trước những khắc nghiệt của tạo hóa, chỉ còn trông nhờ vào siêu nhiên, vì vậy mà đời sống tâm linh nẩy mầm, nhu cầu cúng bái, hoa trái là cần thiết. Từ đó, việc trồng hoa vừa làm đẹp cảnh quan, vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần, tạ ơn đất trời mỗi khi cúng kiếng. Lúc này, hoa chỉ mới đáp ứng cho gia đình, cá nhân riêng lẻ, chưa có điều kiện để đưa đi bán khắp nơi. Dần dà việc cho, tặng, biếu, đổi chác ngày một lớn dần cho tới khi hoa trở thành một thứ hàng hóa, được mua bán ngoài chợ. Việc định hình cho một nghề mới trong nông nghiệp được bắt đầu, được gầy dựng và có một vị trí nhất định trong đời sống và sinh hoạt của cư dân thời bấy giờ, đó là nghề trồng hoa kiểng. Những người tiên phong khai mở, ngoài các bậc tiền bối chưa được tìm hiểu kỹ càng để “lưu danh thiên cổ”, để “đi vào sử sách”... thì gần đây, những người “đãi cát tìm vàng” biết được những tên tuổi như: gia đình ông Phạm Văn Nhạn, Võ Văn Phu, Trần Văn Dậu, Phạm Văn Xoài... Người ta gọi đây là “thế hệ tiên phong, khai mở” - từ những năm cuối thế kỷ 19 cho tới năm 1930.

Phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, dân quyền từ sau năm 1930 - 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, buộc Pháp phải nới lỏng chính sách cai trị; mặt khác để vơ vét của cải, khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên của nước ta... họ đã có chút mở mang giao thông. Từ đó, hoa kiểng Sa Đéc có điều kiện được đưa đi bán nhiều nơi. Chỉ trong vòng 15 năm, hoa kiểng Sa Đéc đã có tiếng trên thương trường, sánh cùng Cái Mơn, Gò Vấp, Đà Lạt... Ngày Tết, Sa Đéc rộn rịp trong cảnh “trên bến dưới thuyền” để hoa kiểng đi khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Những người làm đẹp cho đời lúc đó được biết tới nhiều nhứt như: ông Hai Ký, Hai Nhung, Mười Ơn, Mười Cấn, Năm Sầm, Văn Phép; trong đó phải kể tới ông Hai Hương là một trong vài người chiết tùng hổ phách sớm nhứt và thành công. Thế hệ nầy được đánh giá là đã “đem chuông đi đánh xứ người”. Thế hệ thứ hai của làng hoa.


Chân dung ông Tư Tôn

Ba mươi năm (1945 - 1975), đất nước chiến tranh và cũng chiến thắng hai cường quốc Pháp và Mỹ. Không có cuộc chiến nào mà không có hy sinh, mất mát... Làng hoa cũng điêu đứng, có người ra đi và có người cũng không về lại quê nhà, có người trở thành thương binh, có người bám trụ với ruộng hoa, vườn kiểng. Giai đoạn chông gai, ác liệt này phải kể đến ông Dương Hữu Tài (dân gian thường gọi là ông Tư Tôn). Ông đã tìm mọi cách để duy trì vườn hoa của mình, sưu tầm những giống hoa mới, đặc biệt là hoa hồng. Tên tuổi của ông gắn với “Vườn hồng Tư Tôn”, con đường lộ đá lởm chởm trước nhà vườn của ông, người ta gọi là “đường Vườn hồng”, rồi trở thành tên đường tới ngày nay. Từ trước năm 1975, “Vườn hồng Tư Tôn” đã là vườn ươm những giống hoa hồng mới cho khắp miền Nam. Ông Tư Tôn và những người cùng thời với ông như: Hai Ghiền, Bảy Oanh, Út Nhỏ, Tư Bá, Sáu Bộ, Bảy Phèo, Sáu Kính cùng một số người khác của giai đoạn này mà chưa ghi chép đầy đủ được, đó là “Thế hệ thứ ba”.

Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhứt nhưng chỉ trong vòng vài năm sau đó, tình hình kinh tế khó khăn, thiên tai lũ lụt, chiến tranh biên giới đã làm cho đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Nguy cơ thiếu hụt lương thực đe dọa, diện tích trồng hoa thu hẹp dần, lợi nhuận từ hoa kiểng không đáng kể. Cho tới năm 1986, khi bắt đầu công cuộc đổi mới, hoa kiểng mới hồi sinh. Những người trồng hoa kiểng trong giai đoạn này gian nan nhiều mặt, khó khăn nhiều thứ để vững bước đi lên, tạo dựng lại làng nghề hoa kiểng trong đổi mới đất nước. Đây là Thế hệ thứ tư của Làng nghề hoa kiểng.

Giai đoạn 1990 - 2020, hoa kiểng Sa Đéc đã đồng hành với sự phát triển của đất nước. Sản xuất ở đây đã không ngừng tăng trưởng, tạo được lợi thế cạnh tranh, khơi dậy những tiềm năng và lợi thế vốn có từ những thế kỷ trước; ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, lai giống, ghép cây, chiết cành... thúc đẩy hoa kiểng Sa Đéc phát triển vượt bậc, tăng nhanh về quy mô, trình độ và giá trị sản xuất, làm đẹp cảnh quan, góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho cư dân Sa Đéc. Đến cuối năm 2022, diện tích hoa kiểng ở Sa Đéc gần 1.000ha, có hơn 3.500 hộ, với hàng chục ngàn người vun trồng, sản xuất kinh doanh, dịch vụ; cung cấp sản phẩm quanh năm cho cả nước và xuất khẩu. Từ sau năm 2015, đã có nhiều nhà vườn đầu tư xây dựng các điểm du lịch, thu hút du khách khắp nơi đến tham quan, trải nghiệm... Những người lao động sáng tạo, nhanh nhạy, có ý chí, giàu nghị lực, có học vấn và kiến thức này là Thế hệ thứ năm, có người gọi đây là “Thế hệ vàng”.


Người dân phường Tân Qui Đông đang chăm sóc hoa kiểng (Ảnh: P.L)

Ba thế kỷ đi qua, năm thế hệ vun trồng hoa kiểng, những tên đất, tên người như hòa quyện mà tỏa sáng: Tân Qui Đông: Anh hùng lực lượng vũ trang (được Chủ tịch nước phong tặng năm 1998). Từ xã Tân Qui Đông được Thủ tướng Chánh phủ ký Nghị định đổi thành Phường Tân Qui Đông (năm 2004). Từ “Làng hoa kiểng” không ngừng vun bồi, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ký Quyết định công nhận “Làng nghề truyền thống” vào năm 2007. Từ thị xã Sa Đéc (đô thị lâu đời) được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là TP Sa Đéc - Thành phố Hoa (năm 2013) và là “Đô thị loại II” (năm 2018). Năm 2019, Tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc vinh danh Sa Đéc là “Thành phố học tập toàn cầu”.

“Sa Giang trù phú càng vĩnh viễn

Làng hoa giàu đẹp mãi trường tồn”

Nhất Thống

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn