Huyện Hồng Ngự
Đạt và vượt chỉ tiêu về công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn
Cập nhật ngày: 18/01/2022 05:26:13
ĐTO - Tại huyện Hồng Ngự, thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm và sự hỗ trợ tích cực của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp. Qua đó góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.
Lao động nông thôn tại huyện Hồng Ngự tham gia học nghề phi nông nghiệp
UBND huyện đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) huyện, UBND các xã, thị trấn tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động giai đoạn 2021-2025. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Phòng LĐ-TB&XH đã ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn liên quan đến công tác học nghề, việc làm, phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn khảo sát, lựa chọn các nghề đào tạo theo nhu cầu, dễ tìm việc làm và có thu nhập ổn định, phù hợp với điều kiện của địa phương.Trung tâm GDNN huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn xác định đúng đối tượng có nhu cầu học nghề, ngành nghề cần đào tạo phù hợp với độ tuổi, trình độ, điều kiện thực tế từng địa phương và linh hoạt mở các lớp đào tạo nghề ngay tại các xã để người lao động thuận lợi khi tham gia học nghề.
Các đơn vị dạy nghề phối hợp với chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội tại địa phương thông tin tuyển sinh đào tạo, lựa chọn địa điểm mở lớp, chịu trách nhiệm quản lý lớp học, thực hiện giảng dạy theo chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ theo quy định. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH huyện còn xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tại UBND các xã, thị trấn. Kịp thời đánh giá những ưu điểm, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm, giải pháp khắc phục thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đã mở 10/10 lớp nghề phi nông nghiệp, với 202 học viên tham gia học nghề được cấp chứng chỉ, đạt 100% kế hoạch đề ra; trong đó gồm các lớp đàn cổ nhạc; đan ghế nhựa; nữ công gia chánh; may công nghiệp; kỹ thuật chăm sóc móng và tóc. Các học viên khi tham gia học nghề rất chịu khó, chăm chỉ, nên sau khi hoàn thành khóa học các học viên tìm được việc làm ngay tại gia đình hoặc nhận gia công sản phẩm.
Đối với nghề may công nghiệp có 40 học viên sau học nghề nhận sản phẩm gia công tại hộ gia đình và được nhận vào làm việc trong các công ty này tại địa phương, thu nhập từ 4 - 5,5 triệu đồng/tháng. Riêng nghề đan ghế nhựa có 84 học viên nhận sản phẩm gia công của Cơ sở đan ghế nhựa Hóa - Nga tại xã Thường Lạc và các cơ sở đan ghế tại xã Thường Phước 1, thu nhập từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/tháng. Đối với nghề đàn cổ nhạc và lớp nữ công gia chánh có 48 học viên, sau khi tốt nghiệp sẽ đi làm việc tại các nơi có tổ chức đám tiệc trên địa bàn. Đối với nghề kỹ thuật chăm sóc móng, tóc có số lượng 30 học viên sau học nghề tự tạo việc làm tại địa phương thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Tại huyện Hồng Ngự, các ngành nghề phi nông nghiệp được mở tại địa phương được hình thành trên cơ sở từ nhu cầu thực tế, vì vậy sau khi người lao động học xong các lớp đào tạo nghề đã phát huy được kiến thức, năng khiếu trong lĩnh vực được đào tạo. Vì vậy, chất lượng công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp ngày càng nâng lên đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập nâng cao mức sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Anh Đoàn Văn Trí-Giám đốc Trung tâm GDNN huyện Hồng Ngự cho biết: “Được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện; của Sở LĐ-TB&XH tỉnh sự chỉ đạo, phối hợp của Phòng LĐ-TB&XH huyện, các ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn và tập thể cán bộ, đội ngũ nhà giáo tham gia dạy nghề nhiệt tình, lao động nông thôn cũng tích cực tham gia học nghề, nên công tác đào tạo nghề đạt kết quả tốt. Một số mô hình kinh tế cá thể, tổ liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả góp phần vào việc giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề tạo hiệu ứng tuyên truyền tích cực trong cộng đồng về việc học nghề, khởi nghiệp và phát triển kinh tế...”.
Chăm lo cho người dân tại huyện Hồng Ngự trong công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp và giải quyết việc làm, năm 2022, Phòng LĐ-TB&XH huyện sẽ phối hợp mở 10 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, với 225 học viên. Với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, các đơn vị theo nhiệm vụ được phân công tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn chọn lựa các nghề gắn với nhu cầu việc làm, thu nhập ổn định ngay tại địa phương.
P.L