Dấu ấn từ Đề án trồng 1 tỷ cây xanh

Cập nhật ngày: 04/02/2022 06:20:03

ĐTO - Ít ai biết rằng những hàng cây thẳng tắp trên các nẻo đường quê, những vườn hoa đủ sắc màu nơi công cộng, trong khuôn viên trường học, cơ quan, những mầm xanh đâm chồi nẩy lộc ở những cánh rừng tràm sinh thái được trồng từ chương trình Đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Đề án kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp của truyền thống “Mùa Xuân là Tết trồng cây” với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân chung tay vun trồng, tôn tạo nên những sắc xanh làm đẹp mỹ quan và môi trường sinh thái.


Mảng xanh trong nội ô TP Cao Lãnh

Ươm mầm xanh trên quê hương

Đề án trồng 1 tỷ cây xanh được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021-2025 với hơn 690 triệu cây xanh trên phạm vi toàn quốc. Trên quê hương Sen hồng, mỗi năm có hàng trăm ngàn cây xanh được trồng từ những nẻo đường quê đến tận nơi cửa ngõ, điều đặc biệt là phong trào trồng cây xanh từ Đề án trồng 1 tỷ cây xanh do chính quyền địa phương các cấp phát động đã được người dân Đồng Tháp hưởng ứng tích cực. Trong năm 2021, cùng với cả nước, tại tỉnh Đồng Tháp, huyện Cao Lãnh được chọn để triển khai đề án. Huyện ủy, UBND huyện Cao Lãnh nhân sự kiện lễ đón nhận danh hiệu Huyện Anh hùng trong thời kỳ đổi mới đã tổ chức lễ phát động Đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh, huyện đã trồng 47 cây tre lưu niệm tại các địa danh biểu trưng bản đồ Việt Nam như: Hà Giang, Điện Biên, dãy Bạch Mã, đỉnh Lang Biang và mũi Cà Mau trong khu vực rừng tràm Gáo Giồng.

UBND huyện, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã triển khai thực hiện đề án với những công trình, phần việc cụ thể, thiết thực. Huyện đoàn Cao Lãnh đã tiếp nhận và triển khai đến các cơ sở Đoàn và chọn xã Gáo Giồng làm điểm thực hiện đề án. Anh Trần Triều Dương - nguyên Bí thư Xã đoàn Gáo Giồng cho biết: “Đề án trồng 1 tỷ cây xanh được thực hiện tại địa phương đã nhận sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Mỗi năm, đề án tiếp tục được triển khai, thực hiện và đưa vào lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Khi Đề án trồng 1 tỷ cây xanh được thực hiện, đến nay, khoảng 3.000 cây: hoàng yến, dừa cạn, hoa kèn hồng, bông trang được trồng trên các tuyến đường với chiều dài trên 10km...”.

Các cơ sở Đoàn trực thuộc Huyện đoàn đã đồng loạt hưởng ứng đề án với những công trình, phần việc cụ thể như vệ sinh môi trường, phát quang cây che chắn tầm nhìn kết hợp với trồng cây ăn quả, cây xanh. Phong trào hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh còn hình thành nên những mô hình vườn ươm đội viên, đoàn viên, thanh niên. Ngoài xã Gáo Giồng, Huyện đoàn Cao Lãnh tiếp tục chọn các xã: Bình Thạnh, Nhị Mỹ, Mỹ Long ra quân hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh với nhiều công trình, phần việc thiết thực như: trao tặng 4 vườn ươm thanh niên trị giá gần 15 triệu đồng, ra quân thực hiện vệ sinh môi trường, trồng cây xanh tuyến đường chiều dài 62km, thực hiện 18 Vườn thanh niên, trồng hàng chục ngàn cây xanh các loại...

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhận 500 cây dầu giống và bằng lăng chuyển giao cho UBND xã An Bình và Nhị Mỹ tổ chức trồng 2 bên tuyến đường An Bình và Nhị Mỹ với tổng chiều dài 2.200m, bố trí trồng 500 cây bằng lăng và cây dầu. Tại huyện Tháp Mười, UBND huyện triển khai, thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh với mục tiêu trồng 150.000 cây (trong đó năm 2021 trồng 23.000 cây; năm 2022 trồng 30.800 cây). Các loài cây được chọn trồng chủ yếu là bằng lăng, bò cạp, dầu, phượng, ô môi, sao, gáo, tràm, tre, lim xẹt, bạch đàn, tràm Úc... không chỉ phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, các loại cây được chọn trồng có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ.


Những tiểu cảnh hoa được trang trí nơi cửa ngõ trung tâm thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười

Dấu ấn Đề án trồng 1 tỷ cây xanh

Mùa xuân mới, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đã góp phần hình thành nên những vườn cây xanh tốt. Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, cây được trồng từ đề án có tỉ lệ sống đạt trên 95% góp phần nâng cao chất lượng và độ che phủ của rừng, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Từ Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, trồng cây trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội. Cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác. Ngoài ra, cây xanh còn được trồng trên đất hành lang giao thông, tuyến đê bao, bờ sông, kênh, mương kết hợp phòng hộ, bảo vệ khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán khác; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất chưa sử dụng khác.

Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đã lan tỏa và được thế hệ trẻ hưởng ứng tham gia, hơn ai hết, học sinh các ngành học, cấp học đã bắt đầu hình thành nên thói quen trồng và chăm sóc cây xanh trong sân trường. Tại huyện Tân Hồng, cây xanh được chọn để trồng trên các tuyến đường nông thôn và trong khuôn viên trường học. Năm 2021, sau khi tiếp nhận số lượng cây xanh được phân bổ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng đã chuyển về trồng trong khuôn viên trường mầm non, tiểu học trong địa bàn.


Con đường hoa phượng tại địa phận huyện Lấp Vò

Tại huyện Lấp Vò, cây xanh được trồng phủ đều khắp tại các khu vực hành chính, nơi công cộng, trường học. Hưởng ứng thực hiện Đề án, 500 cây dầu, cây bằng lăng đã chọn trồng ở xã Định Yên, Định An và xã Tân Khánh Trung. Tuyến đường ĐT848 đoạn rạch Chùa - Thủ Củ, 100 cây bằng lăng đã được trồng và được người dân cùng chính quyền địa phương thay nhau chăm sóc. Tại xã Định An, Định Yên, hơn 300 cây xanh được trồng trong các khu hành chính, Ban Nhân dân ấp, trường mầm non, tiểu học. Tại thành phố hoa Sa Đéc, các đơn vị trường chủ động giáo dục học sinh các ngành học, cấp học từ việc trồng cây xanh, lên luống trồng, chăm sóc rau và giáo dục học sinh về tình yêu thiên nhiên.

Bước sang năm mới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng và phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật, kết hợp hướng dẫn kỹ thuật, đáp ứng mục tiêu trồng cây đối với từng địa phương. Trong đó ưu tiên chọn các loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu, loài cây bản địa phù hợp với từng địa phương, tăng tỷ lệ sử dụng các loài cây sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, tạo hom; khung thời vụ để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt. UBND các huyện, thành phố và các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư công theo quy định như chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; các chương trình mục tiêu Quốc gia; các dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở. Công trình làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh; các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội... Đồng thời phát động các phong trào hưởng ứng trồng cây xanh, mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất 1 cây xanh, mỗi nhà góp 1 mảng xanh tạo nên bầu không khí trong lành, tô thắm thêm vẻ đẹp của quê hương Đất Sen hồng.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn