Diễn đàn
Dấu ấn vững vàng
Cập nhật ngày: 10/10/2023 13:10:31
ĐTO - Những biến đổi mang tính tích cực về đạo đức, lối sống của giới trẻ tỉnh Đồng Tháp được ghi nhận trong 2 mối quan hệ chủ yếu: Mối quan hệ cộng đồng, nói rộng hơn là xã hội và quan hệ trong gia đình. Đối với các quan hệ cộng đồng, đa phần trong giới trẻ có ý thức tôn trọng các quan niệm, quy tắc, quy định từ nơi ở như tiêu chí “Gia đình văn hóa”, “Công sở văn hóa”, “Trường học thân thiện”, các điểm công cộng đến luật pháp của Nhà nước.
Vài số liệu đã từng được công bố công khai có thể chứng minh cho nhận định này là tỷ lệ tham gia bầu cử mà nhất là đối với cử tri tham gia lần đầu, việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong thời điểm đại dịch. Một trong những vấn đề khá hệ trọng đối với giới trẻ ở giai đoạn độ tuổi trưởng thành trong quan hệ với xã hội là việc đăng ký và thi hành nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. 68,20% học sinh tự nhận thấy có ý thức tốt về cộng đồng và xã hội. Trong khi đó, 72% thanh niên nông thôn quan tâm đến tình hình thời sự - chính trị của địa phương và đất nước. Trong nhóm thanh niên chấp hành án, có 46% thấy hối hận với những vi phạm và 52% xác định quyết tâm cải tạo để trở thành công dân tốt của xã hội.
Trong những năm gần đây, một số nhóm giới trẻ đã và đang bộc lộ tính năng động, sáng tạo, tự tin, tự lập trong các hoạt động và cuộc sống. Khá nhiều tấm gương trẻ ở các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất kinh doanh. Có đến 60,70% thấy tự tin về tính năng động, sáng tạo và 28,10% thích sống tự lập. Trong quan hệ bạn bè ở nhóm học sinh và sinh viên, tuyệt đại đa số (96,60%) xem việc giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, sinh hoạt và cuộc sống là lẽ thường và trong đó, 72,50% với tinh thần sẵn sàng và tận tình.
Đối với nhóm lao động, họ nêu cao tinh thần tập thể, đoàn kết, hòa nhã, khiêm tốn, lễ độ, vui vẻ khi làm việc, quan tâm và giúp đỡ khi gặp khó khăn; với cấp dưới, luôn quan tâm thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, cổ vũ và khuyến khích; với cấp trên, có ý thức tuân thủ mệnh lệnh, tôn trọng và chú ý bảo vệ hình tượng, uy tín. Trong mối quan hệ với thầy cô và người lớn tuổi hơn, ý thức về “Tôn sư trọng đạo” rất cao (87,5%). Người Đồng Tháp nói chung, giới trẻ nói riêng được nhận xét là chân thành, trung thực. Riêng trong giới trẻ, tự nhận xét và đánh giá về tính trung thực đến mức 84,40%. Đối với mối quan hệ gia đình, mối quan hệ được xem là một trong những mối quan hệ căn bản nhất và là cơ sở để có thể đánh giá về đạo đức, lối sống của mỗi người, nhất là giới trẻ.
Phần đông giới trẻ lưu giữ các mối quan hệ bền chặt của gia đình thể hiện qua tôn trọng các giá trị gia đình; tôn trọng người lớn, thương yêu, quan tâm gia đình và có nguyện vọng xây dựng gia đình hạnh phúc. Hầu hết (92,30%) ý kiến đánh giá cao về tầm quan trọng của việc giữ gìn truyền thống, nền nếp, sự chuẩn mực và nêu gương của ông bà, cha mẹ và anh chị. Một trong những cốt cách, nét đẹp của con người Việt Nam được giới trẻ Đồng Tháp bảo tồn là việc “Đi thưa, về trình”. Có đến 68,10% ý kiến của người lớn trong gia đình cho rằng con cái họ rất lễ phép. 78,20% đánh giá việc giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình là “mềm mỏng, lịch sự”. Về phía giới trẻ, 53,40% “luôn quan tâm, lo lắng cho cha mẹ” và 40% “gần gũi, chia sẻ buồn vui với cha mẹ”. Trong nhóm học sinh, có 60,30% tham gia phụ giúp việc nhà. Tính tương đồng cũng được ghi nhận ở con số 83,80% người lớn trong gia đình cho rằng “thương yêu, quan tâm nhau”. Số liệu này được củng cố bởi 72% người đang chấp hành án cũng thừa nhận gia đình họ “hạnh phúc”. Giữ những chuẩn mực của gia đình truyền thống và từng bước xây dựng gia đình “hiện đại” là mong ước của các thành viên trong gia đình, nhất là giới trẻ được phỏng vấn.
Những biến đổi đạo đức, lối sống tích cực nói trên, về khách quan, qua 35 năm đổi mới và hội nhập, đất nước nói chung và tỉnh nói riêng đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp đời sống Nhân dân được nâng lên, xã hội được phát triển mọi mặt. Đây chính là nguồn lực quan trọng cho việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng mà trong đó có các thiết chế trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Về chủ quan, những quyết sách chung của cả nước, các chủ thể của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã có những chủ trương, định hướng, kế hoạch, giải pháp và biện pháp khá cụ thể trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình trong việc chăm lo cho giới trẻ. 70,40% phiếu trong nhóm giới trẻ đánh giá cao “vai trò của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội” và tương tự như vậy, có đến 84,60% thừa nhận đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Một trong những nhân tố rất quan trọng chính là vai trò của gia đình. Những năm gần đây, sự phát triển của gia đình về nhiều mặt đã tạo ra những điều kiện và tiền đề quan trọng cho mỗi gia đình chăm sóc giới trẻ tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngay trong cách ứng xử, nhiều bậc cha mẹ (73,50%) đã lựa chọn hình thức “lắng nghe và tôn trọng ý kiến hợp lý của con”. Nhà trường được xã hội giao trọng trách lớn và đã làm tốt chức năng giáo dục toàn diện giới trẻ. Với phương châm “Dạy người” và triết lý truyền thống: “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhà trường đã góp phần chính tạo nên những kết quả đã ghi nhận trên. Hơn nữa, trong những năm gần đây, nhà trường đã thực hiện việc giảng dạy về “kỹ năng mềm”. Kỹ năng này đã và sẽ góp phần hình thành những thế hệ hiện đại.
Do đặc điểm riêng của đạo đức, lối sống với những giá trị quý báu của nó và từ các môi trường tốt, giới trẻ tỉnh Đồng Tháp đã kế thừa và phát triển mặt tích cực của đạo đức, lối sống. Những đặc trưng cao quý và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong các mối quan hệ gia đình, cộng đồng và xã hội được giới trẻ tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận và vun đắp. Đây là nền tảng như DẤU ẤN VỮNG VÀNG để giới trẻ thích ứng trong hoàn cảnh mới. Nhưng, nhiều mặt trong đời sống xã hội đang diễn ra đan xen cả mặt tích cực với tính cực đoan của nó đã và đang tạo nên nhiều điểm đáng lo ngại về đạo đức, lối sống của giới trẻ.
DÂN BIỆN