Đầu tư cho hoạt động dạy nghề từ chương trình mục tiêu quốc gia

Cập nhật ngày: 19/10/2012 14:53:13

Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề được tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2010 đến nay. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan sử dụng nguồn vốn đầu tư để trang bị phương tiện phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, học tập tại các đơn vị trường, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục lao động xã hội.


Giáo viên Trường Trung cấp Nghề Hồng Ngự bảo quản trang thiết bị
dạy nghề mới

Từ năm 2010 đến nay, có 11 đơn vị đã được đầu tư trang thiết bị từ chương trình mục tiêu quốc gia với số tiền từ 400 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/năm. Trong đó đối với các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội, tổng kinh phí đầu tư hơn 52 tỷ đồng. Đối với các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề thuộc dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” có 3 đơn vị được đầu tư với tổng số 13 tỷ đồng, kinh phí toàn bộ từ chương trình mục tiêu quốc gia.

Nhóm nghề được ưu tiên đầu tư trang thiết bị gồm: công nghệ thông tin, máy tính, kỹ thuật xây dựng, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, may thời trang, chế biến, thú y. Các trang thiết bị được mua sắm tập trung. Trước khi mua sắm, các thiết bị đều được thẩm định, được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Tổng Cục dạy nghề cấp giấy chứng nhận để có thể đưa vào hoạt động ngay.

Kinh phí được hỗ trợ từ chương trình đã giúp cho các đơn vị đào tạo nghề chủ động hơn khi đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, chuyển phương thức từ dạy nghề sẵn có sang dạy nghề theo nhu cầu xã hội và dạy nghề theo địa chỉ. Từ năm 2010- 2012, từ sự hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia, các đơn vị đã đào tạo trên 26 ngàn người học nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp và có trên 20 ngàn người có việc làm đúng nghề đào tạo tại các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, số còn lại tự tạo việc làm.

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội dù được đầu tư trang bị nhưng vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu đa dạng hóa ngành nghề đào tạo của địa phương và các nghề trọng điểm. Hiện tại, giáo viên dạy nghề còn thiếu kinh nghiệm nên việc đề xuất các danh mục thiết bị dạy nghề chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chương trình đào tạo theo hướng hiện đại. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị Trung ương cần phân bổ sớm kinh phí để các đơn vị đào tạo nghề chủ động trong việc tuyển sinh, đào tạo.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn