Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao

Cập nhật ngày: 05/09/2016 10:27:08

ĐTO - Rút kinh nghiệm công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về công tác giảm nghèo (26/8), Đồng Tháp đã kiến nghị với đoàn đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) điều chỉnh một số chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để công tác giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt hiệu quả.


Tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo chí thú làm ăn

Cần chính sách hỗ trợ hộ nghèo phù hợp hơn

Theo ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo được xác định theo phương thức đo lường đa chiều. Tuy nhiên, dù hộ nghèo được xác định theo chuẩn nào thì việc ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo cần bám sát thực tiễn địa phương mới đạt hiệu quả tối ưu. Chẳng hạn, theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg thì mức vay hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là 25 triệu đồng/căn, kết hợp nguồn vận động đối ứng của gia đình, dòng tộc. Tuy nhiên, do thuộc diện nghèo nên nguồn đối ứng này đa phần không nhiều, trong khi tình hình vật giá hiện nay tăng cao, việc xây nhà đảm bảo tiêu chí “3 cứng”, tuổi thọ trên 10 năm đối với hộ nghèo là khó. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nâng mức cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở lên mức 35 triệu đồng/căn; tránh tình trạng hộ nghèo vay tiền lãi suất cao bên ngoài để đối ứng, dẫn đến tình trạng không có khả năng chi trả do lãi mẹ đẻ lãi con, rất khó thoát nghèo.

Hay do điều kiện kinh tế, xã hội các vùng, miền có sự khác nhau nên không thể “cào bằng” các tiêu chí hỗ trợ hộ nghèo giữa các vùng miền. Tuy nhiên, từ thực tiễn làm công tác giảm nghèo cho thấy một số chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo ở vùng dân tộc, vùng Tây Nguyên, vùng miền núi cũng rất cần được áp dụng ở Đồng Tháp và các địa phương khó khăn khác, tạo nền tảng, tiền đề để địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo và tạo động lực để hộ nghèo tự vươn lên. Cụ thể như chính sách hỗ trợ về giáo dục cho hộ nghèo vùng dân tộc (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP) nên mở rộng ra các địa phương, bởi để giảm nghèo một cách bền vững, thì vấn đề hỗ trợ trong giáo dục, nâng cao trình độ hiểu biết cho người nghèo là yếu tố nền tảng hết sức quan trọng để họ tự vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ địa phương trong thực hiện các công trình dự án phát triển hinh tế - xã hội như: công trình giao thông (Quốc lộ 30 đang xuống cấp trầm trọng), xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch,... tạo điều kiện cho các hộ nghèo, người nghèo làm ăn, phát triền kinh tế gia đình.

Phải có giải pháp giảm nghèo căn cơ, bền vững

Bên cạnh, kiến nghị trung ương có chính sách hỗ trợ hộ nghèo phù hợp thực tế địa phương, nhiều đại biểu từ các sở, ban, ngành tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp giảm nghèo căn cơ, bền vững trong thời gian tới cho địa phương. Theo bà Đoàn Thị Nghiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh: Đối với công tác giảm nghèo, muốn giải quyết đúng vấn đề, phải nghe người nghèo nói. Đồng cảm và chia sẻ với hộ nghèo là một trong những bước đệm quan trọng để có thể định hướng giúp hộ nghèo thoát nghèo. Muốn làm được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên gặp gỡ thăm hỏi, động viên, thậm chí phải xem cả bữa ăn hàng ngày của họ. Có vậy, mới thấu hiểu và thấy được những khó khăn thật sự của hộ nghèo để từ đó đồng cảm, sẻ chia. Khi đã đồng cảm, sẻ chia thì dù có khó đến mấy, chúng ta cũng cố gắng tìm ra giải pháp để giúp đỡ hộ nghèo, vì tình thương và tinh thần trách nhiệm đã được khơi dậy.

Nhiều đại biểu khác thì cho rằng, việc xác định nguyên nhân nghèo là bước quan trọng đầu tiên, bởi chỉ khi xác định được nguyên nhân nghèo thì chúng ta mới có thể tìm ra giải pháp hỗ trợ cụ thể, hiệu quả cho từng đối tượng. Theo các đại biểu, đối với những hộ nghèo thuộc đối tượng già yếu, bệnh tật, không thể lao động thì phải có chính sách xã hội chăm lo tốt và nuôi dưỡng suốt đời, chứ không thể xếp vào nhóm hộ nghèo đơn thuần vì họ không có khả năng thoát nghèo. Riêng đối với những hộ nghèo do lười lao động, rượu chè, cờ bạc cần kiên quyết không thực hiện hỗ trợ các chính sách giảm nghèo khi họ không chấp nhận điều kiện Nhà nước nêu ra, không có ý thức vươn lên thoát nghèo, thay vào đó là giao cho các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục. Khi nào các hộ này chí thú làm ăn, quyết tâm thoát nghèo thì chuyển sang nhóm chí thú làm ăn để có chính sách hỗ trợ. Đối với những hộ nghèo chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn, thiếu đất, phương tiện sản xuất,... tập trung dồn sức hỗ trợ theo nhu cầu với phương châm “Trao cần câu và dạy cả cách câu”. Nghĩa là cùng với việc tặng phương tiện sản xuất, hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, cán bộ làm công tác giảm nghèo, các đoàn thể địa phương phải có kế hoạch chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách  thức làm ăn, cách tổ chức cuộc sống cho từng trường hợp cụ thể và giáo dục họ ý thức tự vươn lên thoát nghèo...

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng công tác giảm nghèo cần sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp mới mong bền vững. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách khuyến khích, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào khu vực nông thôn bởi điều đó sẽ gián tiếp làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, thông qua tạo việc làm. Giảm nghèo sẽ không bền vững nếu không có tăng trưởng và trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn