Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Cập nhật ngày: 22/02/2022 05:36:36
ĐTO - Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận với các cơ hội học nghề phi nông nghiệp, tìm cơ hội việc làm trong thời gian nhàn rỗi, trong năm 2022, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn đổi mới công tác triển khai, thực hiện các lớp đào tạo nghề gắn với địa chỉ, đào tạo nghề theo nhu cầu của người dân.
Hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Cao Lãnh học nghề kỹ thuật chăm sóc móng và tóc
Tại các huyện, thành phố, ngay từ đầu năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện tiến hành rà soát, tiếp nhận nhu cầu của doanh nghiệp, công ty, cơ sở tuyển dụng theo ngành, nghề số lượng theo trình độ và kỹ năng và nhu cầu tuyển dụng lao động. Sau rà soát, các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh, định hướng tư vấn nghề nghiệp và đặt hàng ngành, nghề đào tạo theo yêu cầu. Chăm lo cho người lao động tại địa phương, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tuyên truyền, vận động người lao động trong độ tuổi tham gia học nghề, kết nối, tạo việc làm...
Theo kế hoạch, năm 2022, các huyện, thành phố tiếp tục mở các lớp nghề như đan ghế nhựa, đan giỏ xách dây nhựa, may công nghiệp, sửa kiểng bonsai, vận hành sửa máy phun xịt, nữ công gia chánh, kỹ thuật chăm sóc móng và tóc, đan thảm lau chân, chế biến và bảo quản thủy sản... người tham gia học nghề phi nông nghiệp sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định trong thời gian học nghề. Đồng thời kết nối, tạo việc làm hoặc nhận gia công sản phẩm. Đối với các huyện, thành phố có các trường trung cấp đào tạo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị trường tổ chức các lớp đào tạo nghề theo địa chỉ, đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp..., đảm bảo giải quyết việc làm cho người lao động tham gia học nghề.
Huyện Tháp Mười là một trong những địa phương chủ động trong công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp, trong tháng 1/2022, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trường Trung cấp Tháp Mười tổ chức khai giảng 1 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (đan lục bình, bẹ chuối) tại xã Phú Điền, có 30 học viên tham dự. Các học viên tham gia học nghề được hướng dẫn các kỹ thuật đan trong thời gian 15 ngày, sau khi hoàn thành khóa học sẽ nhận gia công sản phẩm để có thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi. Tại TP Sa Đéc, dự kiến mở các lớp nghề nữ công gia chánh, may công nghiệp, sửa kiểng bonsai... Phòng LĐ-TB&XH thành phố đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức mở các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho lao động nông thôn, các lớp tập huấn chương trình khuyến nông, khuyến ngư nâng cao kiến thức, tay nghề cho nông dân. Kết hợp thực hiện các biện pháp giới thiệu việc làm đối với người lao động bị mất việc có nhu cầu tìm việc làm mới; đẩy mạnh việc thu thập thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước.
Năm 2022, trong lĩnh vực đào tạo nghề phi nông nghiệp, dự kiến toàn tỉnh sẽ có khoảng 13.053 người được đào tạo nghề, trong đó đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng và trung cấp, cao đẳng. Đặc biệt, các đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức đào tạo nghề cho thanh niên, lái ô tô, điều khiển phương tiện thủy nội địa... nhằm đưa tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt tối thiểu 80%. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Định kỳ hằng quý, Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức buổi làm việc với bộ phận phụ trách nhân sự của doanh nghiệp để nắm nhu cầu về lao động; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, tham mưu bổ sung có mục tiêu kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng; kết hợp với cơ chế đặt hàng theo địa chỉ, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, công ty trong, ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát huy tính chủ động trong việc tạo mối liên hệ gắn kết với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, mở rộng mối liên hệ hợp tác với các doanh nghiệp từ khâu đào tạo, giải quyết việc làm, liên kết cung ứng lao động, liên kết tiêu thụ sản phẩm... Công tác truyền thông tới các doanh nghiệp về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, các chính sách ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh đối với doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng được chú trọng tại các địa phương.
H.AN