Đón mùa nước nổi
Cập nhật ngày: 12/09/2023 16:24:10
ĐTO - Chúng tôi trở lại nơi đầu nguồn của huyện Hồng Ngự. Mùa này, gió đã thổi mạnh, liên tiếp phả vào người, gợi nhớ da diết những “con nước” của tháng ngày xưa. Người dân nơi này gọi đó là “gió nước lên”. Vậy là một mùa nước nổi đã thật sự về với bà con, chuyện mưu sinh trên đồng nước bắt đầu diễn ra nhẹ nhàng như mùa nước nổi hiền hòa ở xứ vùng biên này.
Nông dân bắt cá, tôm tại cánh đồng xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự
Men theo dòng sông Sở Thượng, chúng tôi rẽ vào đoạn đê bao chắn giữa hai cánh đồng xã Thường Lạc và Thường Thới Hậu A. Phía trước là cả một vùng trời nước bao la. Hai cánh đồng này thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu vài ngày thì được cho “mở đồng” đón nước. Cũng từ đây, nhiều loại cá, tôm theo con nước vào đồng ruộng.
Mực nước tại các nhánh sông đã bắt đầu dâng cao. Người dân miền Tây thường có câu nói: “Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ”. Đó là kinh nghiệm cha ông đúc kết về sự bắt đầu của mùa nước nổi (nhiều người còn quen gọi là “mùa nước lên”) thường từ đầu tháng bảy đến tháng 10 âm lịch hằng năm.
Khi nước nổi vừa mới tràn đồng cũng là lúc bà con nông dân sẵn sàng cho cuộc mưu sinh. Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu A, cho biết : “Cánh đồng trên địa bàn xã được mở cống cho nước vào. Nước vào đồng để rửa đất, mang phù sa cho đất thêm màu mỡ, nhấn chìm côn trùng, sâu bọ phá hại lúa. Khi đã mở cống cho nước vào ngập đồng, cũng là lúc sản vật mùa nước nổi với nhiều loại cá, tôm theo con nước vào đồng ruộng, góp phần tạo sinh kế cho bà con nông dân”.
Bắt đầu cho một mùa làm ăn mới, để có phương tiện lênh đênh trên cánh đồng nước, những người theo nghề “bà cậu” cũng đã trang bị cho mình những chiếc xuồng, mới có, cũ có, nhưng đảm bảo an toàn mỗi khi đi đồng “thăm cá”. Chỉ tay về phía chiếc xuồng đang neo gần bụi tre sau nhà, anh Lê Văn Khang ngụ ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, cho biết: “Chiếc xuồng đó được tôi đem cất dưới sàn nhà gần chục tháng nay. Hôm trước nghe nói sắp xả nước vào đồng, tôi cùng mấy anh em trong xóm phụ tiếp đẩy ra trét dầu chai, lắp vò, rồi phơi ngoài nắng 2 ngày. Coi xuồng cũ vậy chứ đi kiếm cá ngon lành. Ngày kiếm ít gì cũng 200 ngàn đồng mà còn có cá, lươn ăn. Chiều rảnh, vừa hái bông súng, vừa hóng gió nước lên mát lạnh”.
Mỗi năm, mùa nước nổi kéo dài hơn 3 tháng, khi con nước bắt đầu lên và đến khi nước giựt (nước xuống dần và kết thúc mùa nước nổi). Và cứ thế, mỗi năm, người dân đầu nguồn cũng quen cách tính tuổi nghề của mình theo những mùa nước nổi đã qua. Chị Trương Thị Diệp ngụ Ấp 1, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, cho biết: “Tôi đã ra đồng được 20 mùa nước lên. Mấy năm nay, tôi đặt đú ở cánh đồng xã Thường Thới Hậu A, cách nhà hơn 3 cây số. Mùa nước năm nay xem như tôi có đúng 20 tuổi đời gắn bó với nghề bà cậu. Làm nghề này riết cũng ghiền. Năm nào gần tới tháng 7 cũng mong ngóng nước mau lên, nói thiệt là nhớ đồng nước không chịu nổi”.
Hoàng hôn buông xuống, bà con nông dân cho biết có những ngày từng vạt ráng chiều đỏ rực chiếu xuống cánh đồng mùa nước nổi trông rất đẹp. Con nước rằm tháng 7 này, trên cánh đồng Thường Thới Hậu A nước mênh mông hơn nhiều so với những ngày trước đó. Lúc này, xuồng ghe đi ra đồng thăm đú, thăm câu nhiều hơn, càng tô thêm vẻ đẹp nên thơ, thanh bình của một miền quê yên ả. “Mấy hôm trước, tôi thấy nước về được chừng 5, 6 ngày, nhưng cá vô đồng ít. Hôm nay đú “chạy” được nhiều cá hơn, có cá linh, cá chạch, lòng tong... Tôi có 20 miệng đú, hôm nay được gần 50kg cá. Cá, tôm bán tại đồng hoặc mang ra chợ bán, ngày kiếm được ít nhất cũng 300 ngàn đồng. Có ngày “đổ” cá nhiều thì mang cá đi bán kiếm được hơn 1 triệu đồng”, chị Diệp phấn khởi nói.
Năm nay, nước về sớm nên mùa cá linh cũng đến sớm hơn so với vài năm trước đây. Năm nay, mùa cá linh tạo nên nhiều bất ngờ cho người dân đầu nguồn. Hôm chúng tôi tìm đến huyện biên giới Hồng Ngự thì cá linh chưa nhiều. Thế nhưng, sau con nước rằm tháng bảy chừng 5 ngày, bà con điện thoại cho hay cá linh đã về nhiều. Người đánh bắt cá nói chuyện qua điện thoại nghe giọng rất vui mừng và luôn miệng mời chúng tôi nay mai quay trở lại cùng đi đồng thu hoạch cá linh non.
Năm nào cũng vậy. Điều mà người dân vùng đầu nguồn phấn khởi nhất là đã có sự xuất hiện của cá linh non, một đặc sản “thứ thiệt” vào mùa nước nổi. Vừa thấy chúng tôi, chị Tư Hà ngụ ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, bảo: “Các em có mua cá linh non thì mua ủng hộ chị. Chồng chị mới đi “đổ” đú về được vài ký. Giá 1kg cá linh non chị sẽ làm sạch rồi cân bán 150 nghìn đồng”. Đi trên đoạn bờ đê chưa được 1 cây số, chúng tôi bắt gặp bà con nông dân có người ngồi trên đê, có người ngồi ở mũi xuồng làm cá linh non, mấy đứa trẻ chạy chơi một hồi cũng ngồi phụ ba mẹ làm cá.
Nhiều năm nay, người dân tỉnh Đồng Tháp đã thích nghi và sống chung với mùa nước nổi. Điều đó cũng đồng nghĩa, người nông dân đã tận dụng được lợi thế mùa nước mỗi năm. Giờ đây, đón mùa nước nổi, người dân đã chủ động cải thiện nguồn thu nhập. Ngoài việc đánh bắt sản vật mà thiên nhiên ban tặng, bà con nông dân còn tham gia thực hiện mô hình sinh kế mùa nước nổi. Tận dụng nước ngập đồng (khu vực đồng trũng thấp), hơn 60 nông dân ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đã hùn tiền đầu tư mua lưới, cây tràm... để đăng lưới nuôi trữ cá đồng. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hồng Ngự Nguyễn Kỳ Phùng, cho biết: “Hằng năm, sau 2 vụ lúa, huyện chủ động mở cống cho nước vào đồng. Địa phương chọn những vùng trũng để nhử cá về - tạo điều kiện cho cá tập trung về nhiều. Mô hình này nhằm nuôi dưỡng cho đàn cá sinh sôi trong mùa nước nổi, khả năng sau này bắt được những con cá lớn sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn và chủ động thời gian để bán cá đồng”.
Dù bắt cá, tôm tự nhiên, hay thực hiện mô hình sinh kế nuôi trữ cá đồng mùa nước nổi cũng cho thấy không khí nhộn nhịp của những mùa nước nổi về. Không khí ấy không chỉ nhộn nhịp trên những nhánh sông, những cánh đồng mênh mông nước ở đầu nguồn Hồng Ngự, những ngày này, đến các bến sông quê, các khu chợ từ thành thị tới nông thôn, những con cá đồng mùa nước nổi cũng được bày bán.
Thêm một mùa nước nổi về trên quê hương Đồng Tháp là thêm một mùa vui. Ở đó có những người nông dân hiền lành chơn chất, hào sảng, dù có người cuộc sống bươn chải khó khăn nhưng vẫn hòa cùng niềm vui chung đón mùa nước nổi. Ở đó có những cách làm hay, cách làm mới, để những năm sau, bà con đón mùa nước nổi trong tâm thế chủ động và tươi vui hơn.
HỮU NGHĨA