Đồng Tháp 40 năm thực hiện chánh sách xã hội
Cập nhật ngày: 29/01/2016 12:53:14
Kết thúc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, ngổn ngang trăm ngàn việc phải giải quyết. Bên cạnh lo về kinh tế, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, Đảng ta sớm ban hành chủ trương thực hiện chánh sách xã hội.
![](/database/image/2016/01/29/t%209-2.jpg)
Các gia đình chính sách được quan tâm, chăm lo, nhất là việc cất nhà tình nghĩa. Ảnh: KL
Ty Thương binh Xã hội tỉnh ra đời. Việc trước mắt là điều tra nắm danh sách, số lượng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Việc làm bắt đầu từ ấp, xã. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hợp đồng với các giáo viên dịp nghỉ hè, chia đến từng xã, đến từng gia đình có chồng, con hy sinh để ghi chép theo biểu mẫu. Không ít cái khó: có gia đình liệt sĩ do chiến tranh phải tản cư, nay không rõ ở nơi nào? Nhiều gia đình có chồng con đi chiến đấu ở đơn vị khu, miền, hy sinh ở chiến trường xa, không rõ ngày tháng năm, nơi hy sinh, chức vụ, ở đơn vị gì, mồ mả ở đâu? Phần lớn gia đình chỉ nhớ ngày giỗ liệt sĩ... Việc điều tra vì vậy có những trường hợp không thật chính xác. Dù gì cũng giúp cơ quan quân sự ra giấy báo tử gởi về gia đình, lập hồ sơ gởi cơ quan có thẩm quyền đề nghị về trên cấp Bằng Tổ quốc ghi công, Bằng gia đình có công với cách mạng, Gia đình vẻ vang, Huân chương, Huy chương và thực hiện các chánh sách đối với gia đình liệt sĩ (như hưởng tiền tuất...), gia đình có công với cách mạng.
Việc lớn khác là tìm mồ mả liệt sĩ để qui tập về các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) mới xây dựng. Việc không đơn giản. Hầu hết các NTLS trong chiến tranh bị bom đạn, xe M.113, trực thăng... địch tàn phá, không còn dấu vết mộ. Mấy lớp cán bộ quản trang hy sinh. Kẻ nhớ, người quên, vì vậy khi bốc mộ không ít hài cốt không rõ của ai, đưa về NTLS phải ghi dòng chữ liệt sĩ chưa biết họ tên! Không ít cán bộ, chiến sĩ quê miền Bắc vào tỉnh ta chiến đấu, hy sinh nay tỉnh không rõ họ tên, quê quán, ngày tháng hy sinh. Dù tỉnh nghèo, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng sớm lo mặt bằng, xây dựng NTLS tỉnh và ở các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Lai Vung - Lấp Vò, Châu Thành và một số NTLS xã. Sau này phải thêm NTLS Tam Nông dành cho liệt sĩ hy sinh ở Campuchia, biên giới Tây Nam... Hàng vạn hài cốt liệt sĩ được đưa vào nghĩa trang, sớm hôm hương khói, người thân, đồng đội đến viếng.
Hầu hết gia đình liệt sĩ nghèo, thiếu sức lao động, nhà ở tạm bợ. Việc làm cần thiết là xây nhà tình nghĩa. Đi đầu là huyện Tháp Mười. Nhà chỉ cây ván, lợp Fibro xi măng, gọn nhỏ, dù gì cũng có nơi ấm cúng, kín nắng kín mưa, có nơi thờ phụng liệt sĩ. Từ đó, việc cất nhà tình nghĩa lan rộng ra tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Càng về sau, thực hiện phương châm Nhà nước với nhân dân cùng làm, nên nhà tình nghĩa xây tường, lót gạch men, cửa kiếng... khang trang hơn. Các đơn vị, các ngành cũng tham gia xây nhà tình nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của mình chưa có nhà hay nhà xiêu vẹo, dột nát. Từ đó, nhà có tên “tình đồng đội”, “mái ấm công đoàn”, “nhà đại đoàn kết”, “nhà tình thương”, “nhà tình bạn”... Đối với ngoài xã hội, Chánh phủ có chủ trương các cấp xem xét các hộ nghèo nhà xiêu vẹo, vận động sự đóng góp của xã hội để hằng năm đặt chỉ tiêu xây bao nhiêu nhà hộ nghèo. Đồng Tháp vốn là tỉnh có rất nhiều nhà tạm bợ, nhưng đến nay việc lo nhà cho gia đình chánh sách, hộ nghèo đạt kết quả rất lớn, xóa gần xong nhà tạm bợ.
Về đời sống, Đảng chủ trương giúp hộ chánh sách cho cuộc sống tương đương mặt bằng xã hội. Chương trình xóa đói giảm nghèo, ngày vì người nghèo... được từng địa phương quan tâm thực hiện. Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ đi đầu trong việc này. Đến nay, đói đã xóa xong, hộ nghèo (có cấp sổ) và hộ cận nghèo theo tiêu chí mới cũng được giảm từng năm. Đảng, Nhà nước quan tâm phát huy truyền thống dân tộc “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”... mà vận động cả xã hội chăm lo cho hộ nghèo, nhứt là khi xảy ra bão lụt. Từng đoàn cứu trợ của các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tôn giáo... mang gạo, nhu yếu phẩm, vật dụng gia đình đến tận nơi, trao tận tay cho những gia đình khốn khó. Các đoàn y, bác sĩ mang thuốc đến từng nơi khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Dịp lễ, nhứt là Tết âm lịch, các ngành, các cấp hết sức chăm lo việc hỗ trợ gạo, quần áo, nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, để mỗi người đều có Tết. Trẻ em được vui chơi, đốt lồng đèn, ăn bánh dịp Tết Trung thu và nhận những phần quà Tết từ Cuộc vận động Cây mùa xuân. Nhiều hội xã hội ra đời như Hội Khuyến học, Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo... đã góp phần thiết thực chăm lo đời sống đối tượng của mình. Như hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học; chăm sóc nạn nhân chất độc da cam; mổ tim bẩm sinh, mổ mắt miễn phí cho trẻ em và người nghèo; hỗ trợ cho gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo; xây dựng cầu đường nông thôn thay cầu khỉ bằng cầu bê tông; các đoàn y, bác sĩ trẻ tình nguyện khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo,... Trung tâm Bảo trợ xã hội đã nuôi dưỡng hàng trăm người già cô đơn, trẻ em bị bỏ rơi. Nhà tình thương đã nhận nuôi dưỡng, dạy chữ, dạy nghề cho hàng trăm trẻ em khuyết tật. Ngân hàng Chính sách Xã hội ra đời hỗ trợ vốn cho người nghèo sản xuất. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần lo cho mọi người trong xã hội,...
Những năm 90, Nhà nước có chủ trương phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Lại một việc làm đền ơn đáp nghĩa. Các mẹ còn sống đều được các nơi phụng dưỡng đến cuối đời.
Khó nói hết những việc làm “Ăn trái nhớ người trồng cây”, từ thiện, nhân đạo của toàn xã hội chăm lo cho các đối tượng diện chánh sách xã hội. Nhiều người cảm động phát biểu chưa có chế độ xã hội nào chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng chế độ này.
40 năm qua, chánh sách xã hội đã thành hiện thực, mang lại kết quả vô cùng tốt đẹp. “Mỗi người vì mọi người” đã thành hành động cụ thể của mọi người, làm cho tình làng nghĩa xóm, nghĩa đồng bào, dân tộc được phát huy cao hơn. Thành tựu lớn, song trước mắt chánh sách xã hội vẫn còn là việc phải tiếp tục làm trong sắp tới...
NGUYỄN ĐẮC HIỀN