Đồng Tháp: Từng bước kéo giảm bạo lực gia đình
Cập nhật ngày: 05/11/2018 16:26:16
ĐTO - Qua 10 năm (từ 2008 - 2018) triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), tình hình bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn được kiềm chế và giảm mạnh. Năm 2009, toàn tỉnh có 1.998 vụ BLGĐ, đến năm 2017, số vụ giảm còn 196 vụ. Riêng 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 85 vụ BLGĐ.
Các Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” hoạt động hiệu quả, góp phần kéo giảm bạo lực gia đình
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, nhưng phổ biến nhất vẫn là do điều kiện kinh tế khó khăn, lối sống thực dụng, rượu chè, cờ bạc, ma túy... dễ dẫn tới hành vi BLGĐ. Bên cạnh, nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế; sự xuống cấp về đạo đức; tâm lý e ngại, thờ ơ, ít quan tâm đến các trường hợp có nguy cơ BLGĐ để can thiệp kịp thời cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến BLGĐ. BLGĐ gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân và ảnh hưởng đến đời sống gia đình, mang lại gánh nặng cho xã hội.
Sau khi Luật PCBLGĐ có hiệu lực, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai sâu rộng, đạt nhiều chuyển biến tích cực. Để góp phần kéo giảm BLGĐ, tỉnh đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCBLGĐ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; chú trọng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở và công tác xây dựng mô hình điểm phòng, chống bạo lực... Từ năm 2008 - 2018, nhiều mô hình về PCBLGĐ được thành lập, thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCBLGD trên địa bàn tỉnh.
Tiêu biểu nhất là mô hình PCBLGĐ do ngành văn hóa, thể thao và du lịch triển khai thực hiện. Từ khi thí điểm 5 Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững” tại xã Tân Phú Đông (TP.Sa Đéc) vào năm 2008, đến nay toàn tỉnh đã có 568 CLB được thành lập tại 701 khóm, ấp; 510 nhóm PCBLGĐ; 734 tổ hòa giải cơ sở; 390 đường dây nóng, 2.544 địa chỉ tin cậy và 159 Tủ sách pháp luật đặt tại các xã, phường, thị trấn... Các mô hình này đã phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và tư vấn xây dựng gia đình hạnh phúc.
Cơ sở tư vấn về PCBLGĐ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tư vấn cho nhiều nạn nhân phụ nữ bị BLGĐ. Ngoài ra, còn tổ chức tư vấn vãng gia tại một số địa phương về các vụ BLGĐ. Qua thời gian hoạt động, cơ sở tư vấn đã tiếp nhận tư vấn 113 trường hợp (109 trường hợp tư vấn trực tiếp tại cơ sở và 4 trường hợp tư vấn qua điện thoại). Ngoài ra, Cơ sở tư vấn tỉnh còn phối hợp với các CLB “Gia đình phát triển bền vững” các huyện, thị xã, thành phố tư vấn tại gia, tư vấn tại CLB cho 232 đối tượng gây BLGĐ; 354 nạn nhân bị BLGĐ...
Công tác kiểm tra, thanh tra được thực hiện thường xuyên theo định kỳ, nhằm giảm thiểu hậu quả đối với nạn nhân BLGĐ, từng bước ngăn ngừa tình trạng BLGĐ. Trong 7.600 vụ BLGĐ xảy ra 10 năm qua, có 86,21% số vụ được xử lý theo các biện pháp: xử lý hình sự, xử phạt hành chính, giáo dục tại địa phương hay góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư...
Trong đó, ngành công an trực tiếp xử lý 467 vụ BLGĐ (15 vụ có chết người) và áp dụng các biện pháp xử lý với 479 đối tượng có hành vi BLGĐ. Ngoài ra, lực lượng Công an toàn tỉnh đã chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn 575 vụ việc có biểu hiện BLGĐ, nhanh chóng giải quyết ngay từ khi mới phát sinh không để hậu quả xảy ra, nhằm góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương. Có thể thấy, qua từng năm, số vụ BLGĐ được phát hiện và xử lý, tư vấn đều tăng cho thấy hiệu quả công việc PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh. Nếu như năm 2009 có 79,48% số vụ được xử lý thì đến cuối năm 2017, tỷ lệ này đạt 90,82%.
Công tác biểu dương, khen thưởng đối với người tham gia hoạt động PCBLGĐ luôn được chính quyền các cấp quan tâm, tổ chức biểu dương nhân Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (ngày 18/11) ở khóm, ấp hoặc các dịp sơ, tổng kết kế hoạch, họp mặt biểu dương Gia đình tiêu biểu... Qua đó, tạo động lực phấn đấu, thi đua giữa các cơ quan, ban, ngành, các địa phương, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia PCBLGĐ.
Qua 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ đã tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của các cấp, ngành và nhân dân đối với vấn đề BLGĐ. Tình hình BLGĐ giảm đáng kể, đời sống văn hóa của người dân được nâng cao, thu nhập tăng nhanh, tình hình an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Với sự quan tâm, lãnh chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành và sự chung tay, đồng lòng của các cá nhân, tổ chức, gia đình và xã hội cùng với những giải pháp, định hướng mới, tin tưởng rằng công tác gia đình, PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
P.L