Duy trì, phát triển mô hình nhóm trẻ cộng đồng

Cập nhật ngày: 06/08/2012 04:01:45

Thời gian qua, mô hình nhóm trẻ cộng đồng được chính quyền, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương quan tâm tạo điều kiện duy trì, nhân rộng. Mô hình được xem là giải pháp tích cực trong công tác huy động trẻ mẫu giáo, mầm non ra lớp tại các địa phương còn nhiều khó khăn.

Cụm dân cư thuộc ấp Long Thái, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự có 1 điểm giữ trẻ cộng đồng. Cô Trương Thị Thúy giữ các cháu nhóm 9 tháng tuổi cho biết: “Từ khi thành lập cho đến nay, số lượng các bé sinh hoạt trong nhóm trẻ cộng đồng ở mức ổn định. Để nhóm trẻ duy trì, các mạnh thường quân và UBND xã thường xuyên tổ chức đến thăm và tặng quà, hỗ trợ tiền... Mỗi ngày, các bé được ăn hai bữa, thức ăn rất đa dạng để vừa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng vừa tránh tình trạng các bé chán ăn. Các bé còn được cô giáo dạy hát, múa, được nghe kể chuyện và tập tô màu...”.

Cũng theo lời cô Thúy, đa số các phụ huynh gửi con em vào nhóm trẻ này hàng ngày đều rất bận rộn, nhất là khi nước lũ về nên việc gửi các bé vào nhóm trẻ cộng đồng nhằm đảm bảo an toàn để cha mẹ yên tâm mưu sinh.

Thị xã Hồng Ngự hiện có 36 nhóm trẻ cộng đồng đang hoạt động (tăng 2 nhóm so với năm 2011). Trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất của ngành học mầm non thì hoạt động của nhóm trẻ cộng đồng rất cần thiết. Việc quản lý nhóm trẻ cộng đồng về chế độ dinh dưỡng, chương trình giảng dạy được giao cho hiệu trưởng các trường mầm non, mẫu giáo tại địa phương. Để giáo viên yên tâm công tác tại các nhóm trẻ, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã đã tham mưu UBND thị xã sớm chi trả lương mới theo quyết định của UBND tỉnh cho giáo viên tại các nhóm trẻ cộng đồng. Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều mạnh thường quân trong và ngoài thị xã cũng đã đóng góp cho các nhóm trẻ cộng đồng về vật chất để các địa điểm này duy trì hoạt động.

Hiện toàn huyện Tháp Mười hiện có 22 nhóm trẻ cộng đồng đang hoạt động, các nhóm đều có đủ giáo viên đảm nhiệm. Để hoạt động nhóm trẻ được thuận lợi, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ, trang bị bàn ăn, dụng cụ nấu ăn, đồng thời giao cho các trường mẫu giáo tại địa phương vừa quản lý nhóm trẻ, vừa thực hiện công tác xã hội hóa vận động mạnh thường quân cùng đóng góp. Hiện tại, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đang tiếp nhận nhu cầu thực tế mở nhóm từ các xã vùng sâu như: Thạnh Lợi, Trường Xuân, Hưng Thạnh, Mỹ Hòa.

Theo anh Trần Văn Lập - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tháp Mười: “Mô hình nhóm trẻ cộng đồng đáp ứng nhu cầu của người dân ở vùng khó khăn, vì vậy sắp tới huyện sẽ mở thêm 10 nhóm trẻ cộng đồng mới theo nhu cầu của địa phương, ưu tiên mở lớp tại các xã bị ảnh hưởng lũ, một số nhóm có điều kiện đi lại thuận tiện sẽ giải tán để thành lập nhóm ở những nơi có điều kiện đi lại còn khó khăn. Tùy theo tình hình nước lũ, nếu lũ lớn có khả năng sẽ mở thêm các nhóm mới để đảm bảo an toàn cho trẻ...”.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn