Ghi nhận vài kinh nghiệm xuất khẩu lao động ở Thanh Hóa, Nghệ An

Cập nhật ngày: 03/09/2014 05:04:31

Vừa qua, đoàn cán bộ Tỉnh ủy do đồng chí Đoàn Quốc Cường Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đến học tập kinh nghiệm công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại một số tỉnh phía Bắc.

Ở Thanh Hóa, XKLĐ được Tỉnh ủy đánh giá là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tốt trong nhiều năm qua. Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 05, ngày 26/3/2003, về công tác XKLĐ trong từng giai đoạn; UBND tỉnh cụ thể Nghị quyết của Tỉnh ủy, chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh bằng nhiều kế hoạch và nhiều quyết định chính sách hỗ trợ lao động; hiện đang thực hiện Quyết định số 2600/2012/QĐ-UBND ngày 10/8/2011 về phê duyệt chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015. Các ban, ngành tỉnh được quán triệt tốt chủ trương; UBND huyện, thị nhận chỉ tiêu XKLĐ tỉnh giao hàng năm và giao cho các xã thực hiện. Hoàn cảnh sống của người dân trong những năm đầu thực hiện công tác XKLĐ có nhiều khó khăn, tỉnh đã kiên trì chỉ đạo, tổ chức thực hiện, coi XKLĐ là con đường tốt nhất để người lao động của tỉnh có thể làm giàu chính đáng và nhanh chóng.

Trong thực tế thực hiện, người lao động tham gia XKLĐ tăng theo thời gian, bởi hiệu quả ngày càng cao. Đến nay mọi người đua nhau XKLĐ mà chính quyền, đoàn thể không còn phải tuyên truyên, vận động nhiều về XKLĐ. Điển hình ở huyện Đông Sơn, XKLĐ đã trở thành phong trào, mỗi năm huyện có gần 1.000 người XKLĐ.

Nguồn vốn đi XKLĐ là do lao động và gia đình tự lo là chính. Những người lao động thuộc hộ chính sách và hộ nghèo vay tiền ở Ngân hàng Chính sách Xã hội, đối tượng khác vay ở Ngân hàng thương mại, hợp tác xã tín dụng xã. Ở xã Đông Khê còn có hỗ trợ vốn thông qua họ tộc. Hơn 5 năm qua chưa có xảy ra trường hợp không thanh toán nợ phải nhờ đến chính quyền can thiệp. Nhờ vậy, mỗi năm tỉnh Thanh Hóa có khoảng 9.000 người XKLĐ thu về cho gia đình khoảng 75 triệu USD mỗi năm.

Tỉnh Nghệ An, năm 2013 có 11.671 người đi XKLĐ, 7 tháng đầu năm 2014 tỉnh đã XKLĐ 6.631 người. Cũng giống như tỉnh Thanh Hóa, người lao động ở Nghệ An hiện nay coi XKLĐ là chọn lựa số 1 trong kế hoạch làm ăn của mình, bởi nó là giải pháp hiệu quả thiết thực và ít rũi ro nhất.

UBND nhiều xã ở Nghệ An có chủ trương và huy động cán bộ chủ chốt xã, cán bộ thôn tham gia góp vốn vào hợp tác xã tín dụng của xã, số dư mỗi hợp tác xã hiện là hàng chục tỷ đồng phục vụ cho dân trong xã vay các chương trình phát triển kinh tế do xã phát động, trong đó có XKLĐ, mỗi hộ được vay tín chấp đến 150 triệu đồng. Đây là nguồn quỹ hỗ trợ rất tốt cho XKLĐ.

Ở Đồng Tháp, XKLĐ đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là giải pháp phát triển kinh tế tốt, góp phần thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh nhà mà Chính phủ đã phê duyệt. UBND tỉnh đang xem xét và sẽ ban hành các chính sách khuyến khích người lao động tham gia XKLĐ trong thời gian tới. Tin rằng công tác XKLĐ ở Đồng Tháp sẽ thành công trong tương lai.

Sơn Giang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn