Giải quyết vấn đề nước đá ô nhiễm
Cập nhật ngày: 28/10/2016 14:39:54
ĐTO - Nước đá (NĐ) bẩn rất nguy hiểm cho người dùng vì sử dụng trực tiếp, không qua khâu sơ chế hay chế biến nào. Người dùng NĐ ô nhiễm có thể bị tiêu chảy, viêm đại tràng, ảnh hưởng gan, thận,... Các ngành liên quan, các cơ sở sản xuất (CSSX) NĐ trên địa bàn tỉnh đang thực hiện các giải pháp để hoàn thành áp dụng Quy chuẩn Việt Nam đối với sản phẩm NĐ dùng liền.
Ảnh internet
Trên địa bàn tỉnh hiện có 71 CSSX NĐ đang hoạt động, trong đó có 56 CSSXNĐ cây, 5 CSSXNĐ viên và 10 CSSXNĐ cây và nước đá viên. Mỗi ngày các cơ sở này sản xuất hàng trăm tấn nước đá. Theo kết quả thanh tra, kiểm tra đối với các CSSXNĐ có 11/47 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh (23,4%). Trong khi đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lấy 20 mẫu NĐ tại các đại lý, điểm kinh doanh có 12 mẫu (60%) không đạt chỉ tiêu vi sinh. Kết quả này cho thấy mẫu NĐ lấy tại các CSSX có tỷ lệ ô nhiễm thấp hơn mẫu giám sát tại các đại lý, điểm phân phối; quá trình vận chuyển nước đá từ các CSSX đến các đại lý, điểm phân phối không đảm bảo vệ sinh nên ảnh hưởng đến chất lượng NĐ.
Ngành chức năng khảo sát các CSSXNĐ trên địa bàn tỉnh vào tháng 6/2016 cho thấy: 100% CSSXNĐ cây và đá viên, nhân viên không mang trang phục bảo hộ đầy đủ theo quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), đây cũng là nhân tố góp phần gây nên ô nhiễm sản phẩm NĐ; trong 56 CSSXNĐ cây, có 48% cơ sở vẫn còn sử dụng hồ chứa nước nguyên liệu (nước đã qua xử lý) làm bằng vật liệu dễ gây thôi nhiễm, không đảm bảo ATTP, ảnh hưởng đến chất lượng NĐ; có 62 cơ sở có trần nhà tương đối sạch sẽ và được vệ sinh nhưng có đến 48 cơ sở ở khu vực ra NĐ còn ứ đọng nước, không đảm bảo điều kiện vệ sinh ATTP, cần phải sửa chữa, cải tạo vì đây là yếu tố góp phần gây ô nhiễm sản phẩm; 100% cơ sở chưa thực hiện bao gói sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh có 2 CSSXNĐ đang tiến hành thực hiện bao gói sản phẩm NĐ dùng liền là cơ sở Tân Thuận (TP.Cao Lãnh) và cơ sở Quốc Cường (TP.Sa Đéc).
Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, nguồn ô nhiễm NĐ có thể từ bất cứ khâu nào như: nguyên liệu, dụng cụ làm đá, vận chuyển, bảo quản... ngay cả khi nguồn nước làm đá được thanh lọc tốt, an toàn thì trong quá trình chế biến với dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, NĐ vẫn có thể bị nhiễm khuẩn. Nguồn nước sử dụng trong sản xuất NĐ dùng liền không đảm bảo chất lượng và không được xử lý đúng yêu cầu dẫn đến ô nhiễm trong NĐ thành phẩm. Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất NĐ đều sử dụng nước sông (nước bề mặt) nên chất lượng nước không ổn định, thay đổi theo mùa... Khi sử dụng nước sông phải qua nhiều công đoạn xử lý thì chất lượng nước mới đảm bảo, đặc biệt phải có chế độ định kỳ bảo dưỡng, vệ sinh các trang thiết bị phục vụ cho sản xuất... Một nguyên nhân khác làm ô nhiễm NĐ cần chú ý là chủ cơ sở sản xuất và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phân phối NĐ dùng liền còn quá lơ là trong việc đảm bảo ATTP. Hầu hết những người này đều có quan niệm sai lầm, cho rằng NĐ ở nhiệt độ quá lạnh, vi sinh vật không thể sống sót được trong môi trường như vậy. Nhiều người cũng cho rằng NĐ tan ra thành nước ở bề mặt của khối NĐ và nước này đã tự rửa trôi các chất bẩn bám vào nên khối nước đá không bị nhiễm bẩn. Thực chất nhiệt độ lạnh của NĐ không không tiêu diệt vi sinh vật mà chỉ làm ức chế khả năng sinh sôi nảy nở của các vi sinh vật. Gặp điều kiện thích hợp, các vi sinh vật này có thể phát triển một cách nhanh chóng và gây hại không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo ông Phạm Văn Phước - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, để NĐ không bị ô nhiễm, các CSSXNĐ phải chuẩn hóa nguồn nước nguyên liệu theo đúng quy định kỹ thuật QCVN 01: 2009/BTY; thực hiện đúng quy trình đảm bảo đầy đủ các công đoạn và các thông số kỹ thuật theo yêu cầu; thực hiện bao gói sản phẩm NĐ dùng liền và sử dụng các phương tiện vận chuyển chuyên dụng để đảm ATVSTP trong suốt quá trình vận chuyển và phân phối đến tay người tiêu dùng; trang thiết bị, máy móc, dụng cụ, bao bì, nhà xưởng, môi trường sản xuất phải được vệ sinh sạch sẽ và được thiết kế theo nguyên tắc một chiều nhằm tránh ô nhiễm chéo vào sản phẩm. Đối với chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ATTP trong sản xuất, kinh doanh NĐ dùng liền;...
TN