Giải tỏa đất hành lang đường bộ được thu hồi, bồi hoàn trên các tuyến đường
Cập nhật ngày: 22/02/2024 09:56:02
ĐTO - Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh thường xuyên thực hiện giải tỏa phạm vi đất của đường bộ được Nhà nước thu hồi và bồi hoàn trên các tuyến đường trong tỉnh. Cụ thể phối hợp triển khai kế hoạch giải tỏa phạm vi đất của đường bộ trên tuyến tỉnh lộ 848 (ĐT 848 - đoạn TP Sa Đéc - huyện Lai Vung), giải tỏa phạm vi đất đường bộ trên tuyến ĐT 843 - đoạn huyện Thanh Bình - huyện Tân Hồng... Qua đó, góp phần bảo vệ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông trên địa bàn.
Các lực lượng phối hợp giải tỏa lấn chiếm, chặt mé cây xanh che khuất tầm nhìn trên địa bàn huyện Tân Hồng
Lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa phạm vi đất của đường bộ được Nhà nước thu hồi và bồi hoàn tuyến đường ĐT 848 với chiều dài 8km (đoạn từ xã Tân Khánh Đông đến xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc) với 216 trường hợp vi phạm, trong đó có 64 trường hợp tự giác tháo dỡ, di dời và 152 trường hợp cưỡng chế tháo dỡ lều quán, mái che, nhà tạm, bảng hiệu, chặt mé cây xanh trong phạm vi đất đường bộ tuyến đường ĐT 848. Tiếp tục giải tỏa tuyến ĐT 844 đoạn qua địa phận huyện Tháp Mười với tổng chiều dài 19,5km, có tổng số 531 trường hợp vi phạm, trong đó 144 trường hợp tự giác tháo dỡ, di dời và 387 trường hợp cưỡng chế tháo dỡ.
Đồng chí Lê Hoàng Bảo - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết, việc giải tỏa phạm vi đất của đường bộ được Nhà nước thu hồi và bồi hoàn trên các tuyến được các đơn vị cấp tỉnh, huyện và xã phân công bố trí cán bộ đầy đủ, đúng thành phần, nhất là thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ đó, tiến độ thực hiện nhanh, đạt yêu cầu của kế hoạch. Công tác giải tỏa phạm vi đất của đường bộ trên tuyến tỉnh lộ được tiến hành nhanh, thuận lợi là do phần đất giải tỏa đã được đền bù cho các hộ dân từ trước, phần lớn được sự đồng tình ủng hộ của các hộ dân sống dọc 2 bên tuyến tỉnh lộ về chủ trương giải tỏa phạm vi đất của đường bộ được Nhà nước thu hồi và bồi hoàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân không chấp hành, tìm nhiều lý do kéo lùi thời gian thực hiện hoặc không tự tháo dỡ mà chờ đoàn đến hỗ trợ tháo dỡ, gây khó khăn cho đoàn công tác về tiến độ thực hiện giải tỏa.
Theo Ban ATGT tỉnh, liên quan đến công tác bảo vệ hành lang đường bộ trên địa bàn, cần xây dựng quy chế phối hợp về quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông giữa cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh, doanh nghiệp quản lý đường bộ với chính quyền địa phương cấp huyện, thành phố nhằm mục đích phân rõ trách nhiệm giải tỏa vi phạm hành lang đường bộ và chống tái lấn chiếm hành lang đường bộ. Đồng thời xây dựng tiêu chí thi đua khen thưởng công tác an toàn giao thông, trong đó kết quả giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông là một trong những tiêu chí bắt buộc để xếp loại thi đua hàng năm đối với các địa phương, đơn vị liên quan. Những tập thể, hộ gia đình, cá nhân chấp hành tốt quy định về bảo vệ hành lang an toàn giao thông, thực hiện tốt việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông được xem xét khen thưởng theo quy định.
Đặc biệt, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân các giải pháp đảm bảo không tái lấn chiếm cũng như kịp thời phát hiện và ngăn ngừa trường hợp vi phạm mới. Các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức họp dân thông báo kế hoạch giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông; công bố trình tự, thủ tục, bước tiến hành và phạm vi giải tỏa. Cùng với đó, xây dựng hoặc bổ sung quy ước, hương ước của ấp, khóm về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hành lang an toàn giao thông trong cộng đồng dân cư; tổ chức, cá nhân ký cam kết không vi phạm, tái vi phạm việc lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông... nhằm đảm bảo an toàn, nhất là hạn chế tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường bộ trong tỉnh.
DŨNG CHINH