Giữ trẻ vùng sâu

Cập nhật ngày: 31/10/2012 12:17:42

Chiếc ghe chở đầy gạch chạy băng ngang đồng nước, gió thổi lồng lộng. Ngồi trên ghe mà lòng phập phồng, sợ ghe chở nặng ra đồng trống lỡ gặp giông gió rất nguy hiểm. Nhưng trong mùa nước nổi này, đó là phương tiện đi lại duy nhất để đến với Nhóm trẻ cộng đồng (NTCĐ) “đảo” Cả Găng…


Cô giáo thuê ghe ra cụm dân cư Cả Chanh

Ấp Cả Găng, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng có hai NTCĐ đặt tại cụm dân cư Cả Chanh và tuyến dân cư Cả Găng. Mùa này nước giăng tứ bề, 2 cụm, tuyến dân cư nổi lên như những đảo nhỏ. Đường từ trụ sở UBND xã Bình Phú ra NTCĐ Cả Chanh hoặc Cả Găng khoảng 18km, nhưng mùa nước, phải mất cả tiếng đồng hồ mới đến nơi. “Từ quốc lộ 30, muốn tới cụm dân cư Cả Chanh, nếu mùa khô gặp trời mưa thì phải dắt bộ vì đường đất trơn trợt. Còn nước lên thì phải mướn ghe đưa ra tận nơi. Ghe chạy băng ngang đồng, nếu gặp mưa bão rất nguy hiểm...” - cô Hồ Thị Kim, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi nói.

Mà ghe thì thường chất đầy hàng hóa, như lời phân trần của anh chủ ghe: “Tôi chở đồ mướn vô Cả Chanh là chính, chở các cô giáo gần như chở giúp, lấy tiền chỉ để bù một ít tiền dầu...”. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, dạy ở NTCĐ tuyến dân cư Cả Găng cho biết, nhà cô cách điểm dạy 12 cây số. Hàng ngày đến lớp, cô vừa đi xe, vừa đi bộ. Để phòng mưa gió, lúc nào cô cũng chuẩn bị sẵn 2 bộ quần áo, cùng một cây cứng dùng để cạy đất sét.

Việc đi lại khó khăn là vậy, mức lương cho giáo viên và cô cấp dưỡng ở NTCĐ cũng không nhiều, theo cô Hồ Thị Kim, có cô hưởng chưa đến 1 triệu đồng/tháng. Vậy nhưng 3 năm nay, 2 NTCĐ này vẫn duy trì, được sự quản lý về chuyên môn của Trường Mầm non Họa Mi (ấp Cả Găng). Tại NTCĐ Cả Chanh, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tài cho biết, nhóm có tổng cộng 30 cháu đang được 2 cô giáo trông giữ. Thời khóa biểu dạy và lịch ăn của các cháu không khác gì trường mầm non. Gửi cháu ở nhóm trẻ, gia đình chỉ phải đóng tiền ăn 60 ngàn đồng/trẻ/tháng. Riêng các cháu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ tiền ăn.

Cả Găng được xem là 1 trong 2 ấp khó khăn nhất về các mặt của xã Bình Phú. Ấp có khoảng 620 hộ nhưng đã có trên 400 hộ nghèo và cận nghèo. Đời sống khó khăn, hàng năm vào mùa nước nổi, hầu hết người dân đều ra đồng mưu sinh. Những năm trước đây, đã có những chuyến ba mẹ đi giăng câu, lưới, giữ vịt... khi trở về nhà mới hay con mình đã vĩnh viễn ra đi theo dòng nước. Bốn năm trước, cháu Phạm Quốc Cường, con anh Phạm Công Lợi do không được người nhà trông giữ cẩn thận đã bị đuối nước. Cháu Cường ra đi để lại bao đau thương cũng như nỗi ám ảnh lo sợ của người dân về nguy cơ đuối nước trẻ em vào mùa nước nổi.

Vừa đi thăm lưới ngoài đồng về, ăn vội bữa cơm sáng, chị Võ Thị Lùng - ngụ cụm dân cư Cả Chanh ra trước nhà cùng chồng ngồi vá lại các tay lưới bị rách để kịp đầu giờ chiều tiếp tục mang ra đồng thả. Từ ngày có NTCĐ giữ con mình, anh chị như được trút đi nỗi lo. Chị Lùng nói: “Trước đây vợ chồng tôi suy nghĩ nát óc về chuyện gởi con để vợ chồng đi giăng lưới. Nếu mang con theo lỡ gặp sóng gió nguy hiểm, gửi cho ông bà lớn tuổi lúc nhớ lúc quên cũng không yên tâm, sợ cháu đi xuống nước trợt chân không ai phát hiện...”.

Cùng với hàng trăm NTCĐ khác trong tỉnh, hai NTCĐ Cả Chanh và Cả Găng được thành lập vào năm 2010 cũng xuất phát từ nhu cầu bức thiết đó: người dân vùng sâu, vùng khó khăn mong muốn có được nơi gửi con an toàn để yên tâm làm ăn; các bé có được nơi học tập, vui chơi cùng bạn bè; chính quyền địa phương và ngành giáo dục thì mong muốn hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ bị đuối nước.


Các bé vui đùa trong phòng học

Theo ông Ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng, trên địa bàn huyện có 18 NTCĐ được đặt tại 8 xã với gần 300 trẻ. Trong đó có 4 nhóm trẻ, giáo viên đi lại gặp nhiều khó khăn do đường bùn lầy, phải thuê ghe đi... Rất vất vả, nhưng vì mến trẻ, các cô đã vượt qua khó khăn để chăm sóc tốt các bé.

Anh Nguyễn Văn Nếu, ngụ tuyến dân cư Cả Găng kể: “Có hôm giông gió ngoài đồng lớn quá, vợ chồng tôi về không kịp rước con. Cô giáo chở cháu về tận nhà vẫn không thấy vợ chồng tôi. Cô đã chờ đến chiều tối giao con cho vợ chồng tôi an toàn rồi mới dắt xe lội đường bùn về nhà”.

Ngoài tấm lòng của các thầy cô, các NTCĐ còn tồn tại trong sự yêu thương ấp áp của người dân. Chị Nguyễn Thị Bích, chủ cho thuê nhà làm điểm NTCĐ tâm sự: “Thấy các cô giáo thương, lo cho con em mình mà mình không phụ tiếp thì coi sao đành. Tôi quen với tiếng đùa giỡn của mấy cháu rồi, ngày nghỉ không nghe tiếng mấy cháu cũng thấy buồn...”

Chưa quá hai giờ chiều, nhiều người dân trên cụm dân cư Cả Chanh - người xách lưới, xách thùng lại xuống xuồng ra cánh đồng xa để đánh bắt thủy sản. Trước khi đi, không ít người ghé ngang lớp học nhìn con mình chơi đùa cùng các bạn. Lại chuẩn bị cho một chuyến mưu sinh đầy vất vả nhưng sau khi ngắm con trở ra, trên môi ai cũng nở nụ cười thật tươi.

Ở một nơi cuộc sống người dân còn lắm lo toan như Cả Găng, có được điểm cho các cháu học tập vui chơi, ai nấy đều rất vui.

Tạm biệt các bé, tạm biệt các cô, trên chiếc ghe vượt đồng trở ra, bên tai tôi như vẫn còn đâu đó lời ca, tiếng cười của các bé trên “đảo” Cả Găng. Và hình ảnh những người nông dân đang cuốn lưới ngoài đồng gặp các cô giáo cứ vẫy tay chào hỏi như gặp người thân sau những chuyến đi xa, hình ảnh các cô giáo ngồi cùng đống hàng hóa, gạch ngói, cây gỗ... cứ đọng mãi trong tâm trí.

H.Nghĩa - T.Sơn

Bà Huỳnh Kim Vui - Phó trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết, mô hình NTCĐ ở tỉnh Đồng Tháp hoạt động từ năm 2010. Đến nay toàn tỉnh có 374 nhóm đang giữ trên 6.300 trẻ chủ yếu ở vùng sâu, vùng khó khăn đa số đặt tại nhà dân, tất cả đều duy trì tốt và hoạt động ổn định. Sau năm 2013, nếu các điểm trường mầm non, nhà trẻ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu giữ trẻ thì Phòng Giáo dục Mầm non sẽ đề nghị Sở tiếp tục xin chủ trương duy trì mô hình này để các bé được đảm bảo an toàn nhất là trong mùa lũ, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn