Giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng
Cập nhật ngày: 24/10/2014 13:55:10
Dự án hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật (NCTNVPPL) dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2016 (gọi tắt là dự án) do Tổ chức Unicef Việt Nam tài trợ được thực hiện thí điểm tại 33 xã, phường, thị trấn của huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh từ tháng 7/2013. Qua 1 năm thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả.

Em Võ Lê Duy được giới thiệu việc làm
Ban Bảo vệ trẻ em (BVTE) các xã, phường thực hiện dự án phối hợp cán bộ Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp Phụ nữ làm nhiệm vụ BVTE (cán bộ quản lý trường hợp) triển khai thực hiện dự án. Cán bộ quản lý trường hợp (CBQLTH) có trách nhiệm tiếp cận, lập hồ sơ quản lý, tư vấn NCTNVPPL hoặc có nguy cơ VPPL. Nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cho các cán bộ phụ trách dự án, Tổ chức Unicef Việt Nam đã tổ chức 3 lớp tập huấn về: Tư pháp vị thành niên, Kỹ năng tham vấn và Quản lý ca cho 351 lượt cán bộ tham gia. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với chuyên gia Unicef khảo sát các xã, phường điểm để nắm tình hình và hướng dẫn chuyên môn giúp cán bộ phụ trách dự án thực hiện tốt công tác quản lý, tham vấn, can thiệp hỗ trợ NCTNVPPL.
Trước đây, em Võ Lê Duy (SN 1997) ngụ ấp 2, xã Mỹ Ngãi, TP.Cao Lãnh đang học lớp 9 thì bỏ học. Sống trong gia đình khá giả, được nuông chiều nên em có tính ỷ lại. Em thường tụ tập đêm khuya, uống rượu say gây rối trật tự và tham gia đánh nhau. Nắm được tình hình, CBQLTH của xã lập hồ sơ đưa em vào diện hỗ trợ. Nhờ các biện pháp giáo dục, vận động thường xuyên của CBQLTH và cán bộ ấp, em đã có chuyển biến tốt. Hiện em đã đi học lại (học bổ túc ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh) và được xã giới thiệu vào làm tại một lò sản xuất hủ tiếu với thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng.
Anh Lê Chí Hiếu - Bí thư Xã đoàn Mỹ Ngãi, CBQLTH cho biết: “Xã Mỹ Ngãi có một đối tượng NCTNVPPL được tham gia dự án. Sau khi nắm tình hình, hoàn cảnh gia đình đối tượng, CBQLTH trao đổi cùng Ban BVTE của xã đề ra những giải pháp hỗ trợ. Qua gần 4 tháng (tiếp nhận vào tháng 6/2014) giáo dục, tư vấn, em đã có chuyển biến tốt”.
Sau hơn 1 năm thực hiện dự án, CBQLTH của các xã, phường, thị trấn đã phát hiện và giúp đỡ 140 trường hợp NCTNVPPL và người chưa thành niên có nguy cơ vi phạm pháp luật. Trong đó, 70/105 trường hợp NCTNVPPL tiến triển tốt khi được tư vấn tâm lý, dạy nghề giải quyết việc làm, hỗ trợ giáo dục..., đạt 66%; 15/35 trường hợp người chưa thành niên có nguy cơ vi phạm pháp luật tiến triển tốt (đạt 42%). Theo Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân NCTNVPPL và có nguy cơ vi phạm pháp luật chưa chuyển biến là do các em ham chơi hoặc đã quen với cách sống tự do, đua đòi. Đa số các trường hợp không xác định mục đích sống nên không chịu tham gia học văn hóa hay học nghề. Ngoài ra, sự quan tâm chưa đúng mức của gia đình nên các em dễ bị lôi kéo vào hành vi vi phạm pháp luật...
Do dự án mới được thực hiện thí điểm và chưa có quy chế hoạt động nên công tác triển khai, phối hợp giữa đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Để tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan hữu quan đảm bảo hỗ trợ, phục hồi tại cộng đồng cho NCTNVPPL, ngày 15/10, Sở LĐ - TB&XH tổ chức hội thảo để xây dựng quy chế cho dự án với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương. Hy vọng, quy chế mới xây dựng sẽ giúp hoạt động của dự án đạt hiệu quả cao, qua đó giúp NCTNVPPL tiếp tục hòa nhập cộng đồng.
Lê Thanh