Hiệu quả các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững
Cập nhật ngày: 09/04/2025 10:56:13

ĐTO - Năm 2024, huyện Tam Nông triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo vốn sản xuất, nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo vươn lên thoát nghèo; thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững tại các địa phương.

Người lao động huyện Tam Nông tham gia lớp đào tạo nghề thông qua hoạt động phối hợp thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững
Các ngành, UBND các xã, thị trấn phối hợp thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc từng Dự án, Tiểu dự án thành phần của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, đối với Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đã thực hiện 7 dự án với sự tham gia của 125 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng nguồn vốn giải ngân là 6.042 triệu đồng (trong đó vốn từ Chương trình là 3.413 triệu đồng, vốn đối ứng 2.629 triệu đồng).
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, UBND huyện đã phê duyệt 11 dự án cho 83 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và 1 hộ khuyết tật tham gia, với nguồn vốn 5.353,82 triệu đồng (trong đó vốn từ Chương trình là 2.989,2 triệu đồng, vốn đối ứng 2.363,62 triệu đồng). Ngoài ra, các Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững và truyền thông giảm nghèo về thông tin được huyện triển khai, thực hiện. Kết quả, tổ chức 6 lớp dạy nghề nông thôn, có 119 học viên, kinh phí đào tạo hơn 194,8 triệu đồng góp phần tạo việc làm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện; có 12 pa-nô được lắp đặt, nhiều lượt tin, bài được phát sóng, đăng tải trên Trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn...
Thông qua các nội dung tuyên truyền và truyền thông đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, dự án đã góp phần thúc đẩy hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, phát huy nội lực của người dân và cộng đồng.
Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn huyện tổ chức đối thoại trên sóng phát thanh về chính sách hộ nghèo, quy trình, nhà ở... được 2 cuộc với 17 câu hỏi, giúp giải đáp những thắc mắc của người dân xoay quanh chính sách giảm nghèo của địa phương. Đặc biệt, thông qua công tác tham mưu của các ngành triển khai, thực hiện Đề án, UBND huyện, các ngành đã tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo tại các xã, thị trấn có hơn 350 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia, có 72 lượt ý kiến của người dân được nêu và trao đổi tại các buổi đối thoại. Các ý kiến của người dân tại buổi đối thoại chủ yếu là trình bày tâm tư, nguyện vọng mong muốn các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện được vay vốn mua bán, phát triển sản xuất, cất nhà, sửa chữa nhà, nước sạch, xây nhà vệ sinh... với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, nhanh chóng; giải quyết những khó khăn, vướng mắc về hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, đưa đi lao động ở nước ngoài...
Trong năm 2024, có hơn 400 cán bộ làm công tác giảm nghèo của huyện được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo. Qua các lớp tập huấn đã phổ biến chính sách giảm nghèo mới và định hướng giải pháp triển khai Chương trình giai đoạn 2021 - 2025; phương pháp giám sát, đánh giá Chương trình, dự án, Tiểu dự án, mô hình giảm nghèo; tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo và quy trình rà soát đánh giá biến động hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sau tập huấn, đội ngũ làm công tác giảm nghèo tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành, công tác phân bổ và giải ngân nguồn kinh phí thực hiện Chương trình, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Kết quả điều tra cuối năm 2024, tổng số hộ nghèo của huyện là 277 hộ, tỷ lệ 0,97%, giảm 0,77%, đạt 128,33% chỉ tiêu kế hoạch. Hộ cận nghèo 503 hộ, chiếm 1,77%, giảm 0,43%. Toàn huyện có 629 lao động được giải ngân nguồn vốn vay giải quyết việc làm với số tiền hơn 31 tỷ đồng. Tổng số dư nợ nguồn vốn vay giải quyết việc làm là 103 tỷ đồng, với 2.110 lao động.
Cùng với nguồn vốn vay thông qua việc triển khai, thực hiện dự án, huyện đã tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp với hộ gia đình và người lao động. Tổ chức tư vấn cho hơn 1.500 lao động, cấp phát hơn 15.000 tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền; đưa rước trên 100 lao động tham dự các phiên Giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Năm 2025, huyện Tam Nông tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, Chương trình việc làm giai đoạn 2021 - 2025, tăng cường tuyên truyền ý nghĩa, mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo với các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Lê Thanh